Khi những đợt gió mùa Đông Bắc tràn về miền núi, lễ mừng cơm mới của người Tày Bình Liêu lại tưng bừng diễn ra. Trong ngày lễ không thể thiếu món cơm mới lá gừng, món ăn của sự sung túc.
Cơm mới lá gừng – Ngọt thơm hương vị núi rừng Bình Liêu
Đã thành thông lệ, mỗi năm cứ vào độ cuối tháng 10 dương lịch, khi khắp các bản làng Bình Liêu lúa chín rộ trên những thửa ruộng, cũng là thời điểm bà con tất bật vào vụ gặt, chuẩn bị cho lễ mừng cơm mới.
Người Tày Bình Liêu dịp này nhà nào cũng nô nức chuẩn bị lễ hội, như một dịp tri ân ông bà, tổ tiên. Nhà ít người thì đồ một nồi xôi nhỏ, thịt một con gà; nhà đông người thì đồ một chõ xôi to cùng những món ăn từ sản vật do chính gia đình nuôi trồng, mời anh em họ hàng, chòm xóm đến chung vui.
Mâm cơm kính dâng lên các vị thần, tổ tiên dịp lễ mừng cơm mới ngoài cơm mới lá gừng còn có khâu nhục, thịt gà, thịt lợn, cá chép, bánh coóc mò, miến dong… Những món ăn tuy mộc mạc, nhưng bà con đã bỏ nhiều công sức nuôi, trồng cẩn thận suốt cả một năm để dành cho mùa lễ.
Lễ mừng cơm mới, trong tiếng Tày là “Kin khẩu mấư”, là một nghi lễ nông nghiệp quan trọng của người Tày. Đó là dịp để gia chủ báo cáo với trời đất, tổ tiên về một năm lao động sản xuất và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhà nhà khỏe mạnh ấm no.
Sau nghi thức cúng lễ, mọi người quây quần bên nhau tâm tình trò chuyện và thưởng thức món cơm mới lá gừng, món xôi đặc biệt được chuẩn bị rất công phu. Những hạt gạo nếp ngon nhất trong mùa vụ được ngâm nước qua một đêm rồi đưa vào chõ đồ bằng gỗ đặc biệt của đồng bào Tày, cho ra xôi mềm dẻo nhưng không dính tay.
Từ sớm tinh mơ, những chiếc lá gừng xanh mướt, còn đọng sương sớm sẽ được người phụ nữ Tày hái về, rửa sạch, để ráo nước. Người Tày quan niệm màu xanh chính là màu của sự tốt tươi, sung túc và đủ đầy.
Lá gừng được đem giã nhuyễn để vắt lấy nước cốt. Xôi đã chín dẻo được đơm ra chiếc mẹt lót lớp lá chuối cho nguội bớt. Chõ xôi nghi ngút khói, thơm nồng nàn hấp dẫn du khách trong tiết trời sang đông ở vùng Đông Bắc.
Sau khi xôi nguội bớt thì trộn với nước cốt lá gừng tạo màu xanh đẹp mắt và mùi thơm đặc trưng. Màu xanh của cơm mới lá gừng tượng trưng cho núi rừng, ruộng đồng tươi tốt, gửi gắm ước muốn của nhân dân về những vụ mùa bội thu và hướng đến một cuộc sống ấm no, đủ đầy và viên mãn.
Nếp mới dẻo thơm hòa quyện với vị nồng ấm của lá gừng làm nên một món ăn hài hòa. Là một trong số ít nghi lễ truyền thống còn được giữ gìn nguyên vẹn cho đến ngày nay, mâm cỗ cơm mới lá gừng đã trở thành hình ảnh đặc trưng của người Tày nơi núi rừng Bình Liêu.