Quần đảo Cô Tô ngoài vị thế đặc biệt về địa chính trị, địa quân sự, địa kinh tế thì đây cũng là nơi hội tụ dòng chảy của văn hóa biển ở Vịnh Bắc bộ. Vì thế du khách luôn tìm được điều đặc biệt mỗi khi đến du lịch Cô Tô!
Cô Tô – Nơi hội tụ văn hóa biển cả
Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa được nhận quyết định công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Toàn bộ khu lưu niệm bao gồm: Tượng đài, khuôn viên, bia, đền thờ, nhà trưng bày, lưu niệm, ruộng khoai và cánh đồng muối. Sự kiện này có ảnh hưởng rất lớn đến Cô Tô, thể hiện ý chí tinh thần dân tộc của Đảng bộ và toàn dân ở đảo.
Dân cư Cô Tô đến đây và sinh sống trên dưới nửa thế kỷ, nhưng cư dân mới vẫn mang nét văn hóa dân gian đậm chất của vùng biển Bắc Bộ. Sở dĩ có điều đó là vì người Việt di cư khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam, mang theo phong tục tập quán của mình nhưng đồng thời vẫn thích nghi, tiếp nhận văn hóa sở tại một cách tự nhiên, “nhập gia tùy tục”.
Số dân trên đảo Cô Tô chỉ khoảng 7000 người, đến từ các vùng Thanh Hóa, Nghệ An, hoặc khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Vì thế văn hóa hiện tại ở Cô Tô có sự giao lưu tiếp biến, tạo ra các giá trị đặc biệt giàu bản sắc.
Cư dân Cô Tô sống bám biển bám đảo, vừa kiếm kế sinh nhai vừa trở thành những báu vật dân gian sống giúp giữ gìn, bảo vệ sự toàn vẹn, thiêng liêng của lãnh thổ Việt Nam. Vì thế, huyện đảo Cô Tô có thể được xem là nơi hội tụ dòng chảy văn hóa biển của cả đất nước Việt Nam, đang hiện diện những khía cạnh riêng mang sứ mạng văn hóa Cô Tô.
Những cư dân đến đảo đều đã có nghề biển, hoặc thích nghi với nghề biển để nuôi sống bản thân và làm giàu. Một trong những nghề đặc biệt ở Cô Tô là thu hoạch chế biến sứa, nghề không phải ai cũng làm được. Nhiều hộ làm nghề chế biến sứa đã mang sản phẩm đi xuất khẩu, giúp làm giàu cho chính bản thân họ và cho quê hương xứ sở.
Đến Cô Tô, cư dân các nơi không quên mang theo các tập tục, tín ngưỡng ở quê gốc. Đảo Thanh Lân có nhà thờ Thiên Chúa giáo vì ở đó có nhiều người theo đạo công giáo từ Hải Phòng và Nam Định. Ở Cô Tô lớn có chùa Cô Tô dành cho các Phật tử. Các cụm dân cư người Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An… đều có những nét văn hóa riêng. Họ đến đây và giao lưu với nhau tạo nên nét văn hóa Cô Tô hiện nay.
Như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từng viết trong trường ca Mặt đường khát vọng: “Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói/Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân…” Tất cả những điều này đã tạo nên một “Đất nước” giàu văn hóa bản sắc, giàu tinh thần dân tộc, đứng vững trong nhiều cơn sóng gió của thời đại.