Dù đi Nhật cùng vài người bạn, chỉ một mình Lan Uyên quyết tâm vào khu rừng Aokigahara – nơi nổi tiếng với các vụ tự tử.
Cô gái Việt một mình khám phá khu rừng tự sát trong chuyến du lịch Nhật Bản
Nguyễn Lan Uyên, biệt danh Saru, vừa có chuyến khám phá, du lịch Nhật Bản trong tháng 12. Một trong những điểm đến nằm trong danh sách phải tới của cô là khu rừng Aokigahara, nằm ở tây bắc chân núi Phú Sĩ, cách Tokyo khoảng 100 km. Dưới đây là chia sẻ của Saru về hành trình này.
Cầm tấm bản đồ chỉ dẫn các tuyến xe ngắm cảnh lấy từ nhà ga Kawaguchiko, tôi cẩn thận xem lại giờ chạy chuyến cuối của chiếc xe bus rồi gắn Gopro, tiến sâu vào rừng, bỏ mặc những ánh mắt dò xét từ những người xung quanh.
Những người đi vào khu rừng này một mình đều sẽ bị xem là “không muốn quay trở ra”. Vì lẽ đó, khi tôi cầm Gopro trên tay sẽ không bị tổ tuần tra cử người đi theo khuyên nhủ.
Từ bìa rừng, tôi có thể nhìn thấy đỉnh núi Phú Sĩ phủ tuyết trắng xóa. Bỏ qua những lời đồn đại đầy ám ảnh, Aokigahara vẫn là một khu rừng nguyên sơ 1.000 năm tuổi.
Tôi muốn vào nơi mệnh danh là “khu rừng tự sát” một mình, phần vì muốn được đến những nơi bị xem là “rào cản” của khách du lịch Nhật Bản truyền thống, phần vì tôi đã quá ấn tượng với bộ phim The Forest. Tôi cũng muốn kiểm chứng những lời đồn đại về các “yurei” – hồn ma của những người đã khuất trong khu rừng này.
Người ta truyền tai nhau, các yurei tạo nên ảo giác, dẫn dụ những kẻ vào rừng trở nên lạc lối, cô đơn, không tìm thấy đường về, luôn ở trong trạng thái hoang mang, tiêu cực, và quyết định kết liễu cuộc sống. Còn những kẻ có thể tìm về ánh sáng, các yurei sẽ bám vào lưng, và theo họ trở về nhà.
Không một âm thanh nào khác ngoài tiếng lạo xạo của bước chân tôi đạp trên lá. Càng vào sâu, không gian càng hun hút, khắp nơi là những tấm biển gỗ khuyên nhủ người có ý định tự sát được dựng lên.
Ra khỏi đường mòn – điều mà mọi người đều khuyên không nên – tôi lần theo dấu vết của những sợi dây cột trên cây của những người còn hoang mang với quyết định của mình. Họ để lại dấu vết để có thể quay trở ra nếu suy nghĩ thấu đáo.
Theo Japan Times, năm 2010, hơn 200 người cố gắng tự tử ở rừng Aokigahara, chỉ có 54 người quay trở về cuộc sống.
Bắt đầu xuất hiện trong tầm mắt tôi là những vật dụng vương vãi dưới đất, như chai nước, tấm vải, vỏ chai bị vỡ, cuộn dây… Tôi cứ đi, đi mãi theo dấu vết sợi ruy băng màu hồng, rồi bỗng dưng nó biến mất một cách kỳ lạ, tôi nhận ra mình đã đi rất xa đường mòn.
Tôi lấy la bàn từ trong balô ra thì phát hiện không thể sử dụng được. Tôi quyết định đi khỏi dấu vết sợi ruy băng hồng, nhưng vẫn đảm bảo nó trong tầm mắt mình.
Rồi bỗng, tôi nghe thấy tiếng sột soạt của bước chân trên lá, và tiếng người nói chuyện. Đưa mắt nhìn quanh, tôi thấy bóng một người đàn ông từ đằng xa đang đi ngang qua làm tôi giật bắn mình. Nghĩ là một trong những du khách giống tôi nên tôi đi theo về hướng đó, hy vọng có bạn đồng hành
Nhưng tôi chẳng thể nào đuổi kịp, cho đến khi nhìn thấy mảnh áo khoác sờn cũ dưới gốc cây, cạnh chiếc dù nát sũng nước, vỉ thuốc dang dở, mảnh dây thừng cắt ngang treo lơ lửng đầy ám ảnh… Tôi nhìn xung quanh, rất nhiều những thứ vụn vặt nằm rải rác như một bản di chúc từ những người đã khuất.
Điều đầu tiên tôi làm là tắt Gopro. Khi quyết định đến đây, tôi đã tự nhủ lòng mình không quay và chụp lại những di vật đó, với ý định tôn trọng người đã ra đi. Tôi với tay gỡ Gopro trên áo thì phát hiện nó đã tắt từ bao giờ, mặc dù tôi đã sạc đầy pin trước khi vào rừng.
Tôi ngồi bệt xuống một gốc cây, giữa hàng vạn gốc cây trồi lên mặt đất. Người ta truyền tụng nhau rằng, những gốc cây trong khu rừng này đều có thể là nơi trú ngụ của các yurei. Tuy nhiên, trong đầu tôi lúc đó chỉ nghĩ đến những người đã đến đây để kết thúc cuộc sống. Chắc hẳn, họ đã có quãng thời gian khủng hoảng và không tìm thấy lối thoát.
Chẳng biết tôi đã đi bao lâu, nhưng khi nhìn lên bầu trời đã nhập nhoạng tối. Người tôi thì lúc nóng lúc lạnh từng cơn. Tôi vội vã khoác ba lô chạy ngược ra theo lối dẫn dắt của sợi ruy băng màu hồng. Bóng tối kéo tới quá nhanh, tôi sợ rằng mình sẽ không còn nhìn thấy gì trong khu rừng âm u này.
May mắn, tôi chạy ra khỏi khu rừng trước khi bầu trời đen kịt, đến trạm xe bus mà không còn một chút sức lực. Đồng hồ đã điểm 17h – chuyến cuối của xe bus để trở về, nhưng tôi phải ngồi bệt ra đó hơn nửa tiếng sau thì xe mới đến, giữa cái giá rét khắc nghiệt mà mồ hôi vẫn tuôn.
Lên leo xe bus, tôi mệt lả, nhận thấy vài người Nhật ngồi trên xe nhìn tôi chằm chằm. Nhưng lúc này tôi chỉ cảm thấy mình cần được chợp mắt. Tôi bừng tỉnh khi một người đàn ông đập tôi dậy vì đã về đến nhà ga.