Cô Tô là huyện đảo của tỉnh Quảng Ninh, giữ vị trí tiền tiêu hết sức quan trọng trước vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng.
Chùa Trúc Lâm Cô Tô – Ngôi chùa không thể bỏ qua khi đến Cô Tô
Với hơn 70% dân số theo Đạo Phật, từ lâu nguyện vọng được xây dựng một ngôi chùa thờ Phật ở trên đảo làm nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng cho các tín đồ Phật tử đã là niềm mong mỏi lớn lao của đông đảo nhân dân, Phật tử trên huyện đảo Cô Tô và nguyện vọng đó cũng là phù hợp với chủ trương chính sách tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước ta. Mặt khác, việc đầu tư xây dựng một ngôi chùa thờ Phật thuộc hệ thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên đảo Cô Tô là xây dựng cột mốc văn hóa, khẳng định chủ quyền góp phần củng cố an ninh, chính trị tôn giáo vùng biên giới, hải đảo.
Đáp ứng mong mỏi đó, năm 2015, dự án xây dựng chùa thờ Phật tại huyện đảo Cô Tô đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt, giao cho UBND huyện Cô Tô làm chủ đầu tư giai đoạn giải phóng mặt bằng. Giai đoạn xây dựng do BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hoá, kêu gọi công đức của Phật tử, nhân dân và các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, tổng kinh phí dự án là 104 tỷ đồng.
Chùa Trúc Lâm Cô Tô, tên chùa được đặt theo tên của hệ thống Phật giáo Trúc Lâm do Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Ngôi chùa được xây dựng tại khu đồi Truyền hình, bên cạnh di tích lịch sử đền thờ Đại Đội Ký Con có tổng diện tích: hơn 2.5ha chia thành các phân khu như: Khu cổng tam quan, lầu chuông, lầu khánh, tòa Tam Bảo, nhà thờ tổ, nhà tăng, nhà thờ mẫu, nhà khách, và khuôn viên cảnh quan.
Giai đoạn 1 triển khai xây dựng tòa Tam Bảo. Tòa Tam Bảo của chùa có hướng tựa lưng vào núi, mặt hướng ra biển vừa tạo nên thế phong thủy vững trãi lại vừa có không gian thoáng mát, thanh tịnh.
Tòa Tam Bảo được khởi công vào ngày 6/2/2016. Chùa làm bằng chất liệu gỗ Lim, với diện tích mặt sàn 270m vuông. Tổng khối lượng gỗ Lim của Ngôi Tam Bảo là trên 150m khối gỗ thành khí. Kiến trúc theo lối chùa cổ truyền thống, mái cong và lợp ngói hài, tường bao xây gạch đặc, miết mạch không trát. Phần Mộc đục hoa văn họa tiết thời Trần mang đậm chất kiến trúc đặc trưng của dân tộc. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 12 tỷ đồng.
Ngày 9/11/2019, Ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ khánh thành Tòa Tam Bảo và bổ nhiệm đại đức Thích Khai Từ làm trụ trì.
Về phần nội thất chùa gồm:
Hệ thống tượng thờ
Hệ thống tượng thờ được bài trí theo lối truyền thống ở vùng Bắc Bộ. Chất liệu tạc từ gỗ mít nguyên khối, sơn son thiếp vàng. Bao gồm:
- Cấp thứ 1, ở ngôi chính giữa trên cùng là 3 pho tam thế Phật (biểu trưng cho 3 vị Phật ở 3 mốc thời gian: quá khứ, hiện tại và tương lai).
- Cấp thứ 2 là bộ Di Đà Tam Tôn (gồm: giữa là Đức Phật Di Đà; đứng 2 bên là ngài Quan Âm và ngài Đại Thế Chí).
- Cấp thứ 3: ở giữa là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni; đứng 2 bên là 2 ngài đệ tử: An Nan Tôn Giả và Ma Ha Ca Diếp Tôn Giả.
- Cấp thứ 4 là Phật Chuẩn Đề.
- Cấp thứ 5 là tòa Cửu Long (giữa tòa có pho tượng Đức Phật Thích Ca đản sinh, xung quanh có 9 rồng phun nước tắm cho ngài).
- Hai bên cạnh có 2 ngài Hộ Pháp (ông bên phải nhìn vào là Hộ pháp khuyến thiện; bên trái nhìn vào là ngài Hộ pháp trừng ác).
- Bên ngoài cùng phía bên tay phải nhìn vào là ban thờ Ngài Đức Chúa Ông.
- Bên ngoài cùng phía bên tay trái nhìn vào là ban thờ Đức Thánh Hiền.
- Cạnh đó là ban thờ Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát.
Hệ thống hoành phi câu đối
Làm từ chất liệu gỗ mít, trạm trổ tỉ mỉ. Sơn son thiếp vàng rất lộng lẫy, tôn nghiêm. Nội dung của các bức hoành phi câu đối đều được thể hiện bằng chữ Quốc ngữ (các chùa khác ở đất liền thường vẫn dùng chữ Hán)…
Các cấu trúc khác
- Phía trước chùa có 2 con rồng đá ở bậc thềm, hoa văn họa tiết đục theo thời Trần.
- Trước chùa có lầu chuông và lầu khánh. Quả chuông đồng này có trọng lượng 1.000kg. Đường kính miệng chuông 1,30m; cao 2,25m. Nội dung thể hiện trên chuông đều được viết bằng chữ Quốc ngữ. Chuông do thợ ở tỉnh Nam Định đúc. Khánh đồng có trọng lượng 350kg.