Xây dựng từ thế kỷ 18, chánh điện chùa Bửu Sơn chỉ có một cột chịu lực ở chính giữa.
Chùa Bửu Sơn hơn trăm tuổi ở Biên Hòa
Chùa Bửu Sơn (phường Hòa Bình, TP Biên Hòa) ban đầu chỉ dựng bằng vách tre, cột gỗ. Chánh điện chùa diện tích khoảng 100 m2, nóc hình bát giác. Theo nhà chùa, bát giác tượng trưng cho tám con đường giải thoát khỏi khổ đau trong giáo lý Nhà Phật.
Năm 1937 và 1965, chùa được trùng tu lớn. Khi thi công chánh điện, nhà chùa cho dựng các vì kèo từ nóc kết nối vào một cột chịu lực ở chính giữa. Vì vậy, người dân thường gọi là chùa Một Cột. Khác với chùa Một Cột ở Hà Nội – cột chính ở bên ngoài nâng đỡ kết cấu toàn bộ ngôi chùa – chùa Bửu Sơn có một cột chính ở bên trong, nằm giữa chánh điện với hệ thống tượng Phật bố trí theo hệ phái Bắc tông.
Giữa cột chánh điện thờ một bức tượng đá trong tư thế ngồi, cao 1,5 m, nặng gần một tấn. Pho tượng này là thần Vishnu do người Chăm tạc vào thế kỷ 15. Năm 1861, người Pháp tìm thấy pho tượng này trong hốc cây gần chùa. Thấy vậy, các hương lão đến xin nhà cầm quyền Pháp rước tượng về để thờ trong chùa. Từ khi có tượng, người dân trong vùng cũng quen gọi là chùa Phật Bốn Tay.
Tầng dưới chánh điện thờ năm vị thập điện, hai vị Phán Quan và Địa Tạng.
Khuôn viên chùa còn có khu gửi tro cốt của người đã khuất. Nhà chùa cho đặt một tượng Phật để người dân tới dâng hương, chiêm bái.
Tượng Quan Âm nghìn tay nghìn mắt ngồi trên đài sen được thờ trong am nhỏ ở sân chùa.
Sân chùa có điện nhỏ thờ Bồ Tát Quan âm, đối diện là bảo tháp cao 3 m để lưu trữ tro cốt các vị trụ trì chùa.
Trên nóc chùa tạc tượng voi bên cạnh bốn con hạc. Theo triết lý nhà Phật, voi là một biểu tượng của sức mạnh tâm thức, canh gác các ngôi đền và bảo vệ Đức Phật.
Trải qua nhiều đợt trùng tu, chùa Bửu Sơn có kiến trúc như hiện tại, với diện tích gần 1.000 m2, nằm giữa khu dân cư TP Biên Hòa.
Theo Quỳnh Trần/ Vnexpress