Chùa Cổ Lễ thuộc thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định có lối kiến trúc kết hợp hài hòa giữa Á và Âu. Du khách đến đây còn được nghe kể câu chuyện về các nhà sư cởi bỏ cà sa khoác chiến bào trong các cuộc chiến của dân tộc.
Chùa Cổ Lễ – Huyền thoại về các nhà sư cởi áo cà sa khoác chiến bào ra trận
Được xây dựng từ thời Lý với tên tự là Thần Quang, chùa Cổ Lễ là quần thể kiến trúc Phật giáo độc đáo của Việt Nam. Theo văn bia ở chùa ghi lại, chùa được xây dựng vào thời Lý Thần Tông trên một nền đất vuông, rộng gần 10 mẫu Bắc Bộ, xung quanh cảnh quan sơn thủy hữu tình, có sông nhỏ và hồ bao quanh.
Ngôi chùa linh thiêng này ngoài thờ Phật, còn thờ Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không, người có công lớn của chùa. Năm 1902, hòa thượng Phạm Quang Tuyên, một thiền sư uyên bác, có tài về kiến trúc chùa tháp về trụ trì chùa. Ông đã kêu gọi các tín đồ đại chúng bỏ công, của để xây dựng lại ngôi chùa.
Sau đó, hòa thượng Phạm Quang Tuyên đã kiến tạo lại toàn bộ chùa thành công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật đặc trưng nhưng vẫn hòa nhập với tổng thể, mang phong cách cửa thiền trên nền văn hóa dân tộc, kiến trúc cổ kính phương Đông kết hợp với kiến trúc gothic phương Tây.
Tương truyền, hòa thượng Phạm Quang Tuyên không cần một bản thiết kế nào, cũng không cần xi măng, sắt thép mà chỉ cần gạch, vôi, vữa, mật, muối, giấy bản… cùng với sức lao động của nhiều tín hữu, nhiều Phật tử để dựng nên ngôi chùa thiêng liêng như ngày nay.
Trước chùa có tháp cửu phẩm liên hoa nằm trên lưng con rùa khổng lồ, đầu rùa hướng vào phía chùa. Con rùa nằm giữa hồ nước hình vuông, bốn góc là bốn hòn núi giả có đắp bốn con voi to. Tiếp theo ngôi tháp là một chiếc cầu cong ba nhịp bắc qua hồ Chu Tích. Cầu Cuốn dẫn tới chùa Trình, còn gọi là hội quán Đường, nơi thờ Phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay.
Ngoài ra, 2 bên hội quán Đường là đền thờ Linh Quang Từ, thờ Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và đền thờ Thánh Mẫu, thờ Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một trong bốn “Tứ bất tử” của văn hóa Việt Nam.
Năm 1936, hòa thượng trụ trì Phạm Thế Long đã cùng nhân dân, tín đồ Phật tử đúc một quả chuông đồng nặng 9 tấn; cao 4,2m; đường kính 2,2m gọi là chuông Đại Hồng Chung, trở thành một trong những quả chuông lớn nhất Việt Nam ở thời điểm đó.
Đặc biệt, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tại chùa Cổ Lễ đã có 27 nhà sư “cởi áo cà sa khoác chiến bào ra trận” để bảo vệ quê hương đất nước vào ngày 27/2/1947. 27 nhà sư này là những người yêu nước đến từ nhiều địa phương trong tỉnh Nam Định, Nghệ An, Hải Phòng, Ninh Bình.
Tại buổi lễ cởi áo cà sa, ngay sau lời phát nguyện, 27 nhà sư đã “cởi áo cà sa” chính thức lên đường nhập ngũ, tham gia kháng chiến:
“Cởi áo cà sa khoác chiến bào
Việc quân đâu có quản gian lao
Gậy thiền quét sạch loài xâm lược
Theo gót Trưng Vương tỏ nữ hào”.
Trong chiến tranh, 12 nhà sư đã hy sinh tại các mặt trận. Các nhà sư còn lại, có người tiếp tục ở lại quân ngũ, có người lại trở về cửa tu hành, giữ nhiều trọng trách trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Và trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chùa Cổ Lễ vừa là nơi hội họp của phong trào cách mạng tỉnh Nam Định, vừa trở thành cơ sở nuôi giấu cán bộ, du kích và bộ đội chủ lực sư đoàn 320.
Ngày nay, hàng năm cứ đến ngày 13 tháng 9 Âm lịch, hội chùa Cổ Lễ được tổ chức với nhiều trò chơi dân gian như lễ rước Phật, đua tải trên sông, đấu vật, đánh cờ người… nhằm suy tôn thiền sư, pháp sư Nguyễn Minh Không – tổ sư nghề đúc đồng.
Theo iVIVU.com