Nằm trong hệ thống chùa Khmer tại Sóc Trăng, chùa Chén Kiểu là một trong những ngôi chùa mang đậm dấu ấn văn hóa của vùng đất và con người Sóc Trăng với lối kiến trúc “độc nhất vô nhị”.
Chùa Chén Kiểu – Dấu ấn văn hóa của người Khmer ở Sóc Trăng
Chùa Chén Kiểu hay còn gọi là “chùa Sà Lôn”, là một trong những ngôi cổ tự có nét kiến trúc độc đáo, tọa lạc tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.
Nét nổi bật đặc trưng của ngôi chùa này là ở những bức tường không phải được tô xi măng thẳng đều, hay lát gạch bông hay sơn màu như những ngôi chùa khác. Tường của ngôi chùa này được ốp bởi những mảnh chén, dĩa, sành sứ nhìn rất độc đáo nhưng vô cùng thẩm mỹ đẹp lạ. Nhìn vào sẽ cảm nhận được một nét nghệ thuật đặc biệt và vô cùng đẹp mắt.
Trước đây chùa có tên Khmer là “Wath Sro Loun”, để dễ phát âm nên từ “Sro Loun” được đọc chại thành “Sà Lôn”. Sro Loun có nguồn gốc từ chữ “Chro Luong” – là tên của 1 con rạch chạy dọc theo đường làng trước đây ở gần chùa và tên gọi ấy đồng thời cũng được dùng để đặt tên chùa.
Để có thể ốp các mảnh chén lên tường và các bề mặt khác là không hề đơn giản nó đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ, kiên nhẫn, các nghệ nhân Khmer đã khéo léo tận dụng số chén, đĩa này để trang trí các bức tường, cột tháp, tạo nên một công trình kiến trúc hài hòa, ấn tượng. Những đồ còn mới được ốp trực tiếp lên tường hay làm thành những hàng rào bao quanh các dãy hành lang hay tay vịn cầu thang, còn những đồ đã vỡ hay sứt mẻ được sắp xếp và ghép thành các hoa văn trang trí lạ mắt. Đến đây du khách không chỉ thắp hương cầu Phật mà còn được chiêm ngưỡng một kiệt tác nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hóa Sóc Trăng.
Tại đây các tường rào trang trí hình tượng tiên nữ Apsara đang múa tượng trưng cho hòa bình và thịnh vượng. Hai bên cổng vào có 2 tượng sư tử đá, mặt hướng ra quốc lộ. Phía trên là 3 ngôi tháp được chạm khắc, trang trí theo kiến trúc truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ. Dọc lối vào chùa là 2 hàng tượng thần Kâyno (Keynor) đây là những bức tượng có khuôn mặt tiên nữ Apsara – tượng trưng cho sắc đẹp vĩnh hằng và thân hình chim thần Garuda – tượng trưng cho sức mạnh.
Một điểm nhấn đặc biệt nữa của chùa Chén Kiểu chính là phần mái lợp vô cùng sắc sảo và xinh đẹp, hai đầu đao ở hai bên cong vút như có sự giao cảm tâm linh với đấng cứu rỗi cho linh hồn con người, phù hộ độ trì cho chúng sinh được an bình, lạc nghiệp.
Kiến trúc nổi bật và gây ấn tượng mạnh mẽ nhất ở mặt đứng ngôi chánh điện chính là trên các đầu cột được trang trí hình tượng nữ thần có cánh Kâyno. Các tượng nữ thần Kâyno này ở tư thế vươn lên đỡ lấy diềm mái, tạo sự chuyển tiếp giữa phương đứng của các cột và phương ngang của mái.
Gian thờ là một quần thể gồm 20 tượng Phật lớn nhỏ với nhiều tư thế đứng, nằm, ngồi, được bố trí hợp lý, mỹ thuật. Giữa sân chùa Chén Kiểu là cột cờ, với hình tượng rắn thần Nagar xòe 5 đầu khá sinh động, nhằm nhắc đến điển tích rắn xòe đầu ra để che mưa cho Đức Phật khi người tọa thiền. Phía sau chùa là khu vườn Phật Thích Ca giảng đạo và nhập Niết bàn. Đây là quần thể kiến trúc gồm nhiều tượng Phật lớn nhỏ, mô phỏng khá sinh động quá trình ra đời, đi tìm chân lý, giác ngộ cho đến khi nhập cõi Niết bàn của Đức Phật Thích Ca.
Những mảnh ghép nhỏ của chiếc chén kiểu tạo thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo nhưng lại vô cùng ý nghĩa, đây không chỉ là niềm tự hào của người dân Sóc Trăng mà còn là một nét đẹp trong dấu ấn văn hóa của người dân Việt Nam.
Theo iVIVU.com