Anh bạn tôi người Cần Thơ, cứ réo gọi mãi là phải vào thăm lại anh, tiện thể thăm lại chợ nổi Cái Răng.
Chợ nổi Cái Răng chiều cuối năm
Chiều cuối năm, dòng người và dòng ghe cứ tấp nập ngược xuôi trên bến Ninh Kiều. Đã mấy lần đi chợ nổi Cái Răng, nhưng lần nào cũng vậy, niềm háo hức cứ trào lên khi bước chân lên những chiếc ghe nhỏ bồng bềnh trên dòng sông Hậu nơi thủ phủ của đất miền Tây này.
Chỉ cách trung tâm thành phố Cần Thơ chừng 5km, cảnh buôn bán trên chợ nổi Cái Răng nhộn nhịp từ sáng sớm đến gần trưa mới vãn. Chúng tôi quyết định thuê một chiếc ghe nhỏ chạy máy rời bến Ninh Kiều để đến với chợ nổi. Chị lái thuyền cũng là kiêm hướng dẫn viên bất dắc dĩ cho chúng tôi cứ thao thao bất tuyệt bằng chất giọng miền Tây dễ mến về những chợ nổi ở miền đất này kèm nụ cười phảng phất của một miền gái đẹp.
Cứ thế, chiếc ghe nhỏ chở chúng tôi đến gần chợ nổi. Chưa đến trung tâm chợ nhưng đã thấy hàng trăm ghe thuyền lớn nhỏ đậu san sát nhau để cùng tham gia giao thương. Những chiếc xuồng nhỏ trên sóng nước dập dềnh, những của hàng cửa hiệu, những người mua người bán cứ tấp nập, rồi cả khách du lịch tây ta đủ loại cứ bồng bềnh theo sóng nước. Trên thuyền chất đầy hàng hoá, phần nhiều là các loại trái cây, các sản phẩm miệt vườn được treo lủng lẳng trên một cây sào cắm trước mũi ghe mà người địa phương gọi là “cây bẹo”.
Vì thế mà người mua chỉ cần nhìn vào “cây bẹo” là biết được trên ghe bán thứ gì. Chị lái đò cho biết, chợ nổi Cái Răng là chợ đầu mối chuyên mua bán sỉ các loại trái cây, nông sản của vùng. Hàng hóa ở đây với số lượng lớn và mỗi mặt hàng đã được phân loại nên đồng đều về chất lượng kích cỡ. Nếu như dân địa phương và các vùng lân cận sử dụng các ghe xuồng trung bình chở các mặt hàng nông sản đến đây tiêu thụ thì những ghe bầu lớn là của các thương lái thu mua trái cây tỏa đi khắp nơi, thậm chí đưa sang tận Campuchia, Thái Lan.
Chúng tôi lọt vào giữa mọi thứ âm thanh ồn ã với tiếng máy nổ, tiếng chèo khua nước, tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền rồi tiếng cười nói, tiếng người mua kẻ bán, tất cả tạo nên một sự sầm uất không kém gì những khu chợ trên cạn. Nhịp sống năng động ở chợ trên sông thể hiện qua không chỉ thuyền chứa hàng hóa, mà còn trên những chiếc ghe nhỏ bán thức ăn trên sông với chỉ 3.000 đồng/ly cà phê, thậm chí cả đồ nhậu cũng được các thuyền nhỏ len lỏi trong chợ đưa đến, phục vụ nhu cầu của tất cả mọi người từ đàn ông, phụ nữ đến trẻ em.
Chỉ cần 7.000 – 8.000 đồng cho một tô hủ tiếu nhưng vô cùng thú vị khi được thưởng thức trong không khí mênh mang sông nước. Ở chợ nổi còn có đầy đủ các loại dịch vụ từ sửa máy, sửa cân, ghe bán xăng dầu đến những cửa hàng bách hóa như mỹ phẩm, mắm muối, thuốc tây, bánh kẹo… Các xuồng dịch vụ nhỏ gọn, len lỏi rất thiện nghệ áp mạn ghe bán hàng rồi thu tiền, nhưng tất cả đều rất nhường nhịn nhau. Chợ nổi Cái Răng nói riêng và các chợ nổi ở miền châu thổ này nói chung sinh động hơn cả chợ nổi ở Thái Lan, một khu chợ nhân tạo, bởi chợ nổi ở đây vốn được hình thành từ tập quán sinh sống với những sản vật phong phú mà thành.
Chúng tôi may mắn được đi chợ đúng dịp cuối năm, khi mà dân thương hồ dồn sức làm ăn. Chợ nổi những ngày cuối năm bao giờ cũng rất sôi động. Vào những ngày bình thường, mỗi ngày, chợ cũng có hàng trăm ghe thuyền khắp nơi trong tỉnh và kể cả các tỉnh lân cận, xuôi ngược về đây từ lúc 3, 4 giờ sáng, kèm theo tiếng động cơ máy nổ làm xao động cả mặt sông. Cảnh mua bán ở chợ nổi diễn ra chóng vánh với giá cả hào phóng, hiếm có chuyện trả giá cò kè như các chợ khác.
Cứ khoảng từ tết dương lịch trở đi đến tết nguyên đán là mùa làm ăn của các thương thuyền trên chợ nổi này. Các nhà thuyền cứ thế bán buôn, tích góp, thu nợ, đặt mối hàng cho những ngày sau. Ai cũng tất bật cả. Nhưng được cái ở đây không có chuyện ép giá, thổi giá như các chợ trên cạn. Dù là ngày cuối năm hay ngày bình thường giá cả cũng chỉ như vậy thôi! Năm nào cũng vậy, đến cuối năm công việc buôn bán bộn bề hơn nhưng vui lắm. Người ta đi chợ đông hơn, nhiều mối hàng hơn nên thu nhập cũng cao hơn so với ngày thường. Thế nên ai cũng có tâm lý thôi thì có được mùa cuối năm này cũng phải “tranh thủ”.
Chiếc ghe máy bềnh bồng trên mặt nước, bên rìa sông là thuyền của những gia đình thương hồ sống với nhiều thế hệ. Vài chậu cây cảnh, phía trong có vật dụng gia đình và cả ban thờ… những chiếc thuyền này như “căn hộ di động” trên sông nước với tiện nghi như tivi, dàn âm thanh, chuồng nuôi súc vật, trên thuyền còn dựng cả xe máy. Trên chiếc ghe đi bồng bềnh trên chợ nổi, tôi lại gặp rất nhiều tàu thuyền chở khách nước ngoài rẽ nước lướt qua êm đềm.
Khách bên này, bên kia vẫy chào nhau rối rít. Máy ảnh cứ giơ lên, chụp qua chụp lại, vui tươi như không còn nỗi toan lo cuộc sống nữa. Không khí ngày cuối năm như đã tỏa ấm trên sông. Còn gì thú vị hơn được bồng bềnh trên ghe máy vào một ngày đẹp trời để ngắm bình minh và tham quan chợ nổi Cái Răng. Tất cả vẽ nên một bức tranh chân chất của vùng châu thổ yên bình và đẹp tuyệt vời như thế, hút hồn những du khách phương xa.
Tận hưởng combo nghỉ dưỡng trọn gói hot nhất miền Tây
Theo Tiêu Dao/Sức khỏe đời sống