Pờ Ma Lung nằm trong top 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam, hiện thách thức dân mê chinh phục vì độ khó.
Chinh phục đỉnh Pờ Ma Lung miền biên ải
Đỉnh Pờ Ma Lung (cao 2.967 m), theo cách gọi của người dân địa phương, nằm ở bản Lang, xã Bản Lang huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Do cung leo dài và hiểm trở, cần 8-9 tiếng leo từ chân núi đến điểm nghỉ đêm trong rừng, chúng tôi lên thành phố Lai Châu nghỉ từ tối hôm trước ngày leo núi. Một nhóm nhỏ khác đi xe giường nằm chạy qua đêm từ Hà Nội lên thẳng Lai Châu và hội quân cùng chúng tôi sáng sớm.
Đoàn xuất phát bằng 2 ôtô 16 chỗ từ thành phố Lai Châu lúc 6h sáng và có mặt ở bản Lang lúc 8h kém. Điểm leo nằm sát biên giới nên các đoàn phải làm thủ tục đăng ký với bộ đội biên phòng. Chúng tôi tập hợp đồ và chuyển cho các porter mang vào trong lán nghỉ trước, còn đoàn 24 người leo xuất phát sau đó ít phút.
Từ bản Lang, chúng tôi đi bộ chừng 5 km đường đồi trước khi đến điểm bắt đầu hành trình cả đi và về 40 km đường núi, chinh phục bức tường thành tự nhiên tại miền biên viễn của Tổ quốc.
Đoạn này ai cũng hứng khởi bởi vẻ đẹp của núi rừng, những thửa ruộng bậc thang và nếp nhà sàn xa xa dưới thung lũng và cỏ cây hoa lá bên đường. Lúc này ai nấy còn đang khỏe.
Từ đây, chúng tôi đi dọc theo đường ống dẫn nước từ trên suối xuống để người dân bản sinh hoạt và tưới tiêu cho các ruộng bậc thang. Đi được một lúc, chúng tôi bắt gặp thác nước khổng lồ đổ từ trên núi xuống. Trong các cung leo tôi đã đi như Putaleng, Fansipan và Bạch Mộc Lương Tử, đây là thác lớn nhất mà tôi gặp. Qua ngọn thác, chúng tôi đi men theo dãy núi Mỏ Quạ.
Sau 3 tiếng leo núi, vượt qua vài con suối với những tảng đá khổng lồ, chúng tôi dừng lại nghỉ ăn trưa. Theo porter Tẩn Chỉnh Phong, bản Nà Đoọng, cách bản Lang 10 km, là nơi các đoàn đi leo núi thường nghỉ chân hoặc ăn trưa trước khi vượt qua con dốc Ba Giờ – theo cách gọi của người địa phương. Điều đó có nghĩa là, người thường xuyên leo núi mà cần tới 3 tiếng để vượt qua thì chúng tôi cần gấp rưỡi hoặc gấp đôi thời gian.
Từ đây chúng tôi leo dốc 45-60 độ liên tục, xuyên qua các khu rừng trúc lớn nhỏ, dẻ sồi, chuối và đỗ quyên cổ thụ. Chúng tôi mất 4-5 tiếng, tùy thể lực của từng thành viên trong đoàn, để đến được đỉnh dốc Ba Giờ ngắm hoàng hôn trước khi xuống lán nghỉ.
Khi leo, do thể lực không đồng đều, chúng tôi tự tách ra làm nhiều nhóm nhỏ và được các porter đi kèm tránh bị lạc. Các thành viên liên lạc với nhau bằng máy bộ đàm do trong rừng không có sóng điện thoại. Anh Nguyễn Trung Kiên, trưởng nhóm và là người tổ chức chuyến đi nói rằng nếu bị lạc trong rừng sẽ rất nguy hiểm do về đêm nhiệt độ xuống thấp, khách thường chỉ mang áo khoác nhẹ vì leo núi rất nóng.
Từ điểm này, chúng tôi mất khoảng một tiếng để leo xuống lán. Lán nghỉ của các cung leo núi thường được người dân dựng ở thung lũng để tránh gió và gần suối để tiện nấu nướng, tắm rửa. Lán của chúng tôi được đặt ở độ cao 2.200 m và là lán đẹp, sạch sẽ nhất ở những cung leo tôi đã đi.
Ngay sau khi về nơi nghỉ, một số bạn nam tắm suối còn các bạn nữ tắm nước nóng do các porter đun. Trong lúc khách tắm rửa và nghỉ ngơi, các porter chuẩn bị đồ ăn. Họ mang rau, thịt lợn và gà sống cho các chuyến đi 3 ngày 2 đêm, nấu đa dạng món và hợp khẩu vị của khách.
Ăn tối xong chúng tôi nhanh chóng đi nghỉ để cơ thể phục hồi và chuẩn bị sức cho ngày hôm sau chinh phục đỉnh núi cao gần 3.000 m. Lán về đêm chìm giữa tiếng suối rì rào, tiếng côn trùng kêu rả rích cùng tiếng lá xào xạc trong gió.
Sáng hôm sau các porter dậy sớm chuẩn bị đồ ăn. Sau khi ăn sáng, chúng tôi bỏ lại mọi đồ đạc và chỉ mang theo ít nước, đồ ăn nhẹ và khởi hành lúc 7h. Trong rừng rậm trời vẫn lờ mờ tối.
Thời tiết đẹp, không mưa. Tuy nhiên, ở trên núi cao trời nhiều sương, khiến cây cối và đường đi ướt, trơn trượt. Đường lên đỉnh đi qua nhiều con suối với các tảng đá to nhỏ phủ đầy rong rêu do ánh nắng mặt trời ít khi chiếu được tới chúng. Nhiều người trong đoàn đã trượt ngã nhưng may mắn chỉ bị xước nhẹ.
Đoạn đường từ lán lên đỉnh là đẹp nhất cung leo. Rừng nguyên sinh bạt ngàn, suối và sương tạo nên một bức tranh huyền ảo, làm vơi đi những mệt mỏi của người leo. Sau 3 tiếng men theo các con suối nhỏ, chúng tôi đến khu vực vành đai biên giới.
Từ đây lên đỉnh còn khoảng 1,5 giờ leo liên tục, chúng tôi đi dưới rừng trúc nhỏ và phía trên là đỗ quyên cổ thụ rêu phong, như vườn địa đàng. Càng gần đỉnh, cây cối càng mọc ken kít rất khó đi. Gió lúc này thổi mạnh.
Sau 4-5 giờ leo, nhóm đầu tiên lên tới đỉnh Pờ Ma Lung lúc 11h30. Nhiệt độ lúc này vào khoảng 6-8 độ và rất gió. Các porter nhóm lửa để sưởi ấm và chuẩn bị cơm lam nướng và gà luộc cho chúng tôi ăn trưa. Sau khi vui vẻ chụp ảnh và dùng bữa, nhóm đầu tiên xuống núi lúc 12h30.
Lúc này trời đã sáng, đường xuống thường dễ và mất ít thời gian hơn đi lên. Cảnh sắc hiện ra rõ nét. Chúng tôi dành nhiều thời gian để chụp ảnh trong chặng về này. Nhóm đầu tiên chỉ mất 3,5 tiếng là tới lán.
Hôm sau, chúng tôi khởi hành từ lán, về tới bản Lang lúc 12h trưa, kết thúc hành trình chinh phục đỉnh Pờ Ma Lung. Sau khi gác lại những bộn bề hàng ngày để thử sức và ý chí của bản thân, các thành viên trong đoàn đến từ ba miền đều thấy rằng đất nước tươi đẹp đến nhường nào.
Theo Đức Hùng/ Vnexpress