Mục lục
Đỗ Duy Khánh, chàng sinh viên quê Hải Phòng, đã thực hiện thành công chuyến thám hiểm Đông Dương trên xe đạp với số tiền vỏn vẹn 3 triệu đồng.
“Trước đó không lâu, tôi đọc một bài viết trên phuot.vn về hành trình đạp xe xuyên Đông Dương nhưng không thành công. Tôi cũng đã từng đi xuyên Việt hai lần nên rất muốn tìm kiếm một thử thách khác cho bản thân và đi để học hỏi thêm nhiều điều. Tôi muốn khám phá và vượt lên chính mình từ hành trình này”.
Đó là lý do khiến Đỗ Duy Khánh, chàng sinh viên quê đất Cảng, năm thứ 3 khoa Xã hội học (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) quyết tâm thực hiện hành trình đạp xe xuyên Đông Dương đặc biệt này.
Đam mê của chàng Đông-ki-sốt
Với hầu hết sinh viên, mùa hè là dịp để nghỉ ngơi, đi làm thêm hoặc về quê với gia đình. Nhưng với Đỗ Duy Khánh, mùa hè gắn liền với chiếc xe đạp và những chuyến đi tình nguyện, khám phá các vùng đất mới. Vừa trở về sau hành trình đạp xe xuyên Việt và đạp xe xuyên Đông Dương (tức 3 nước Đông Dương là Việt Nam, Lào, Campuchia), chàng trai đất Cảng khiến bạn bè và nhiều người ngưỡng mộ. Khác với suy nghĩ của tôi, gặp Khánh, tôi bị ấn tượng bởi sự vui vẻ, hoạt náo và cả một niềm hứng khởi khó tả từ vị khách truyền sang.
Đặc biệt, nước da rám nắng của Khánh khiến tôi hình dung được quãng đường mà chàng sinh viên này đã trải qua, chắc chắn khắc nghiệt hơn với nắng và gió của miền biển. Chuyến đi trải nghiệm xuyên Đông Dương bằng xe đạp của Đỗ Duy Khánh và người bạn đồng hành, Nguyễn Văn Khiêm, sinh viên đại học Mỏ địa chất chắc chắn khiến không ít người phải ngạc nhiên.
Một chiếc xe đạp, ba bộ quần áo, một túi thuốc cá nhân, một quyển Lonely Planet về Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan giá 4 USD được mua tại Phnom Pênh (Campuchia), một ống ruốc, một chăn và một võng cá nhân cùng với hơn 3 triệu đồng tiền mặt là tất cả tài sản chàng sinh viên khoa Xã hội học này mang theo trong hành trình chinh phục cung đường xuyên Đông Đương bằng xe đạp của mình.
“Do chuyến đi nằm ngay sau hành trình xuyên Việt 2013 cùng với CLB Mùa hè Xanh nên chúng tôi không có thời gian chuẩn bị kỹ. Chủ yếu, chúng tôi tham khảo tài liệu phục vụ cho chuyến đi trong các trang về du lịch trên các diễn đàn phuot.vn, đặc biệt là Lonely Planet.
Tham khảo đường đi và hành trình phân chặng tại bản đồ Google nhưng đến lúc thực tế, chẳng có ngày nào chúng tôi đi được đúng tuyến như đã đề ra. Thông thường, tôi đi nhanh hơn dự định. Lúc đầu, chúng tôi dự định chuyến đi sẽ kéo dài trong 20 ngày hoặc hơn nhưng nhiều điều kiện thuận lợi về thời tiết nên chuyến đi hoàn thành sớm hơn kế hoạch.
Theo kế hoạch ban đầu, chúng tôi dự định là đi xuyên Campuchia, sau đó đi sang Pakse (Lào) tiếp tục đi dọc đường 13 huyền thoại tại Lào đến Vientiane, sau đó quay về Hà Nội. Tuy nhiên, sau đó cả hai lại quyết định thay đổi lịch trình tiếp tục hành trình sang Thái Lan”, Duy Khánh cho biết.
Tổng dự toán cho hành trình xuyên Đông Dương được Khánh và bạn đồng hành lên kế hoạch là 3 triệu đồng. Hai chàng trai dự định chi tiêu như sau: Tiêu ở Campuchia 1,2 triệu đồng, Lào 1,2 triệu đồng và Thái Lan 600.000 đồng. Nhìn vào dự toán này, chắc chắn khó ai nghĩ là họ có thể hoàn thành được hành trình đầy thử thách ấy nhưng với kinh nghiệm hai lần xuyên Việt, Duy Khánh tự tin với bí quyết tiết kiệm chi phí của mình. Họ tin vào tình người, sự giúp đỡ của người dân địa phương, nơi họ đi qua.
Tình người trên những cung đường
Khánh và Khiêm vẫn nhớ như in cảnh tượng cả hai canh cho nhau ngủ ở một lán hàng cách thành phố Svay Rieng (Campuchia) tầm 30km. Cả đêm trời mưa tầm tã, lán hàng mưa dột khắp nơi. Cả hai phải di chuyển hết chỗ này sang chỗ khác, tìm được một chỗ an toàn và tránh mưa thì họ lại bị chó đuổi. Hai người phải thay phiên nhau thức để canh cho nhau chợp mắt. “Lúc đó, tôi chỉ mong cho trời nhanh sáng để chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình.
Khi trời còn mờ tối, chúng tôi đã nhanh chóng bắt đầu cuộc hành trình. Khi đi qua trạm xăng (cách điểm ngủ đêm 15km), chúng tôi được một người bán xăng cho cơm và thức ăn cầm theo dọc đường. Người bán xăng tốt bụng này còn dạy cho chúng tôi một số từ cơ bản để giao tiếp ở Campuchia. Tình cảm đó thật ấm áp, tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi suốt hành trình tự khám phá bản thân được tốt hơn”, Khánh nghẹn ngào kể lại.
Khánh bộc bạch: “Tôi đã tham gia nhiều chuyến đi tình nguyện, xuyên Việt bằng xe đạp, mỗi chuyến đi để lại ấn tượng riêng. Tôi ấn tượng với một ngôi làng nhỏ của Campuchia giáp với Đông Bắc Thái Lan, đa số các hộ dân ở đây đều chưa được dùng điện lưới.
Đến ngôi làng này, tôi có cảm giác được về với những ngôi làng quê Bắc Bộ Việt Nam. Năm nhà chung nhau một chiếc máy nổ và họ chỉ phát điện đến tầm 21h/đêm. Giá sinh hoạt ở đây cũng khá đắt đỏ. Một suất cơm bình dân lên tới 35.000 đồng. Ở những nơi chúng tôi đi qua, những cánh rừng đang ngày càng trọc đi, những con sông cũng đang bị thay đổi theo chiều hướng xấu.
Cuộc sống cư dân xung quanh đó cũng bị ảnh hưởng. Đó là những kiến thức thực tế mà nếu không có sự quyết tâm, một chút “liều lĩnh” để đi thì chúng tôi không thể thu lượm được, không thể có những trải nghiệm thú vị đầy trăn trở như thế. Có thể, với nhiều người, hành trình của chúng tôi thật nhỏ bé nhưng nó lại bổ ích cho chính bản thân chúng tôi. Chúng tôi thấy mình không lười, không nghỉ ngơi mà liên tục vận động để không bỏ phí thời gian”.
Với nhiều người, hành trình của hai chàng trai này được nhìn nhận rất khác nhau, có thể là sự “liều lĩnh”, “điên rồ” của tuổi trẻ. Khánh và Khiêm thì lại cho đó là một hành trình khám phá bản thân, mở mang hiểu biết, cảm nhận tình yêu thương giữa con người với con người. Chàng trai này không nhớ hết đã gặp bao nhiều người dân địa phương tốt bụng, thân thiện ở Campuchia, Thái Lan, Lào.
Những người không quen biết, không cùng ngôn ngữ nhưng sẵn sàng mời hai chàng sinh viên Việt câu cá, ăn cơm, chỉ đường, cho tiền, cho thức ăn, thậm chí mời vào nhà chơi, cùng ăn cơm, nghỉ ngơi.
Ký ức khó phai
Đặc biệt, chàng sinh viên đất Cảng này nhớ nhất hai vợ chồng một chủ quán ăn tại Thái Lan. Dù là người Thái nhưng họ lại có trí nhớ và đặc biệt tôn kính Hồ Chủ tịch. Điều đó làm Khánh và Khiêm thấy tự hào, hạnh phúc vì mình là người Việt Nam. Duy Khánh kể lại câu chuyện ở một thị trấn gần thành phố Ubon Ratcha Thani (Thái Lan). “Chúng tôi quyết định vào ăn cơm sáng ở một cửa hàng ven đường.
Thường ở đây, các cửa hàng mở cửa khá muộn, tầm 9h sáng trở ra, phải đi rất lâu mới tìm được một quán nhỏ ven đường. Biết chúng tôi đạp xe từ Việt Nam sang, hai vợ chồng chủ quán rất thân thiện, nở nụ cười tươi, mời vào ăn cơm miễn phí. Họ còn gói đồ ăn cho chúng tôi cầm đi trên hành trình tiếp theo của mình.
Điều làm chúng tôi ngỡ ngàng đến hạnh phúc là hai vợ chồng chủ quán muốn đổi đồng 20 Bath lấy tiền Việt Nam vì họ rất kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, họ muốn có hình của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó, ngay lập tức họ để tờ tiền vào khung ảnh. Họ tặng chúng tôi mỗi người một bức tượng nhỏ mang ý niệm may mắn tại Thái Lan. Đó thực sự là kỷ niệm khó quên”.
Đỗ Duy Khánh thật thà chia sẻ: “Trước đi khi đi, tôi cũng đã hỏi ý kiến bố mẹ về chuyến đi của mình, nhưng lúc đó, tôi nói là đi với 5 người, để cho gia đình yên tâm. Thực ra, chuyến đi chỉ có hai người mà thôi. Cả tôi và bạn đồng hành đã trao đổi với bạn bè để mọi người tư vấn thêm về lịch trình, kinh nghiệm đi ra nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều người vẫn nghĩ chúng tôi liều lĩnh và “ấm đầu” thậm chí còn ngăn cản cả hai. Chúng tôi quyết tâm thực hiện hành trình với phương tiện đặc biệt này để vượt lên chính bản thân mình”.