17-01-2024 15:04

CEO placevietnam.com: ‘Thương trường cũng giống như những chuyến đi’

CEO placevietnam.com: ‘Thương trường cũng giống như những chuyến đi’

Mục lục

“Một trong những kinh nghiệm quý giá nhất tôi học được là cách để đam mê, cả thói quen nhanh chóng thích nghi với môi trường mới” – Đỗ Thị Thúy Hằng, CEO iVIVU.com.

Cùng khám phá một chân dung đa diện và đầy cảm hứng của một năng lượng trẻ trung nơi Đỗ Thị Thúy Hằng:

Lúc nào cũng phải sẵn sàng

9 năm ở Mỹ, nếu không có vụ sụp đổ 15/9/2008 của Lehman Brothers thì Hằng có trở về VN không? Tại sao?

Trở về Việt Nam và làm được điều gì đó luôn là tâm niệm trong suốt những năm tháng Hằng sống xa quê hương. Sự sụp đổ của Lehman Brothers là cú sốc lớn với thế giới tài chính, nhưng thực tế ngay cả ở Mỹ khi ấy, nhiều cá nhân quyết tâm với ngành vẫn tiếp tục công việc chuyên môn của mình, hoặc là tự do, hoặc là ở một công ty khác. Nhưng chắc chắn sự kiện 15/09 đã khiến Hằng thực hiện tâm niệm của mình sớm hơn.

“Đánh võng” qua một vài thương hiệu ở Mỹ, những lần nhảy việc ấy cho Hằng những tích luỹ gì?

Hằng nghĩ khi ấy không hẳn là ‘nhảy việc’, vì thực tế mình vẫn theo đuổi công việc liên quan đến những gì mình học, mình làm. Với mỗi người khi thay đổi nơi làm việc, sẽ có cái được, cái mất. Cá nhân Hằng cảm thấy mình được nhiều khi có cơ hội làm việc tại những tập đoàn và định chế tài chính lớn nhất thế giới: bạn bè, đồng nghiệp, kiến thức, kinh nghiệm, sự tự tin khi giao tiếp và làm việc với những đối tác hay khách hàng rất lớn…

Nhảy việc vì thích thay đổi hay đơn giản hơn là để… tồn tại tốt hơn, với cá nhân Hằng từ thực tế chính mình từng chuột bạch?

Thay đổi, tồn tại, Hằng nghĩ chỉ là hai trong số rất nhiều lý do. Cá nhân Hằng khi ấy nghĩ rằng cơ hội làm việc với những cái tên hàng đầu thế giới không phải lúc nào cũng có, và đồng thời cũng là thách thức lớn đối với một cô gái đang sống xa gia đình, quê hương, và còn đang rất trẻ.

Muốn thử thách bản thân trước sóng lớn và đón nhận lấy cơ hội là những lý do chính cho các quyết định công việc của Hằng ở Mỹ.

Trong 9 năm học và làm ấy, ở Mỹ, kinh nghiệm có được để ứng dụng về VN là bao nhiêu %, vì ai cũng biết là VN – Mỹ, hai môi trường quá khác, không chỉ là kinh doanh?

Người Mỹ làm ăn khắp nơi trên thế giới, thậm chí ở cả các quốc gia có nhiều sự đối nghịch với họ. Một trong những kinh nghiệm quý giá nhất Hằng học được là cách để đam mê, thói quen, công việc mình nhanh chóng thích nghi với môi trường mới.

Đi rồi về. Trước đó thì lòng vòng đến 30 nước. Với Hằng, sống ở đâu dễ hơn? Và sống ở đâu dễ nhất?

Hằng rất thích vi vu, thích khám phá, tìm hiểu nhiều điều, trải nghiệm nhiều lối sống. Nhưng sau khi ‘lòng vòng’ thì càng thấm câu ‘không đâu bằng nhà’. Hằng nghĩ cuộc sống ở Việt Nam hiện giờ khá thuận lợi, dễ sống, có gia đình, bạn bè, đồ ăn ngon, đặc biệt được gần gũi với những thứ vốn thân thuộc với người Việt Nam mình. Hằng chuyển vào TPHCM 2 năm nay và rất thích cuộc sống ở đây.

do-thi-thuy-hang-ivivu

Đỗ Thị Thúy Hằng, một người Việt trẻ đã đi ra thế giới gần 10 năm để biết: “Không đâu bằng nhà mình”.

Vốn liếng để nhảy vào thương trường bất an như VN có được lấy ra từ phần lớn những chuyến vi vu khắp thế giới?

Hằng không nghĩ riêng thương trường Việt Nam ‘bất an’. Từ góc độ cá nhân, Hằng thấy thị trường ở nơi nào cũng nhiều biến động, luôn có nhiều điều thú vị song song với những khó khăn rất riêng. Cũng có lúc Hằng cảm nhận thương trường cũng có nhiều điểm giống như những chuyến đi. Kế hoạch, dự tính chi tiết, cặn kẽ đến thế nào nhưng chắc chắn trên hành trình thực sẽ có đủ mọi điều bất ngờ ngoài dự tính.

Hỏi thật Hằng, từng thách đố ai có thể làm giống Huyền “chip”, cô gái đi 25 nước với 700$ – Hằng du lịch theo cách nào để không “hổ thẹn” với các phượt thủ mà vẫn giữ được mình “toàn thây”?

Hằng nghĩ việc khao khát được đi, được xê dịch, khám phá, trải nghiệm và thực sự làm được điều đó là điều đáng tự hào, nhất là với một người còn trẻ. Ở câu chuyện này, Hằng chỉ muốn nhấn mạnh rằng mỗi người có điều kiện, hoàn cảnh, xuất phát điểm rất khác nhau, vì vậy phải hết sức cẩn trọng, cân nhắc kĩ càng mọi thứ, kể cả các chi phí cơ hội khi ra quyết định.

Vì vậy đây không phải lời thách đố ‘ai bắt chước ai’, mà thông qua câu chuyện, Hằng hy vọng nhiều người sẽ cùng đồng tình rằng để một chuyến đi dài ngày, ẩn chứa nhiều rủi ro được trọn vẹn, thì cơ bản ngoài ước mơ, khao khát mang tính chủ quan, mình cũng phải nghĩ tới gia đình, bạn bè hay thậm chí những thứ rất thực tế khác như thời gian, tiền bạc hay sự an toàn của bản thân.

Những kiến thức từ chính trải nghiệm ấy đã khiến cho Hằng nhạy cảm hơn trước các “đòn gió” của những khách sạn vào tầm ngắm của ivivu, cũng như đoán được gần chính xác du khách muốn gì, phải không?

Ngoài Hằng, thành viên iVIVU.com có rất nhiều người từng vi vu khắp thế giới. Nhưng dù may mắn được đi, gặp gỡ và trải nghiệm nhiều, Hằng luôn chia sẻ với các bạn iVIVU.com rằng mong muốn của mỗi người, mỗi vị khách là rất khác nhau, thậm chí phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan khác. Vì vậy luôn tìm hiểu, lắng nghe trọn vẹn nhu cầu khách hàng, không được chủ quan cho rằng “thứ mình muốn là thứ khách hàng cũng muốn” là điều kiện kiên quyết của một thành viên iVIVU.com.

Hằng nghĩ, sao để khách hàng mình được phục vụ thật tốt, xứng đáng với chi phí đã bỏ ra, được cung cấp đủ thông tin, giá cả chính xác và phù hợp với nhu cầu, rồi họ đi đâu, ở đâu nhân viên mình cũng có thể chăm sóc hay thay mặt khách giải quyết các phát sinh để khách hang tập trung trọn vẹn tâm trí cho công việc khi đi công tác, hay dành trọn vẹn thời gian nghỉ ngơi, cho gia đình,… Làm được như vậy thì không chỉ riêng khách hàng mà bản thân Hằng với những đồng nghiệp làm dịch vụ tại iVIVU.com cũng an tâm hơn rất nhiều.

Có điều gì ngoài khuôn khổ những gì người ta đã nói xung quanh chuyện Hằng là đại diện người trẻ VN có mặt trong Diễn đàn kinh tế thế giới ở Myanmar 2013 vừa rồi? Ông Tony Blair với Hằng, để lại ấn tượng ra sao, và Hằng nghĩ, ngược lại?

Sự kiện đó cũng qua lâu, rồi nhiều việc với cuộc sống hằng ngày cũng khiến Hằng cũng không để ý được xem có những chuyện gì hay xung quanh bạn bè kể gì. Buổi trao đổi hôm đó trong diễn giả còn có ông Gary Coleman (CEO Deloitte toàn cầu), bà April Rinne (Giám đốc chiến lược của Collaborative Lab), ông Fazle Hasan Abed (Sáng lập viên và chủ tịch tổ chức BRAC), ông Haider Rashid (Chủ tịch khu vực Nam Á tập đoàn ABB), ông Heizo Takenaka (Giám đốc Viện Nghiên Cứu An Ninh Toàn Cầu, Nhật Bản), nhưng ấn tượng về ông Tony Blair thì nhiều nhất.

Tại Diễn đàn kinh tế thế giới Myanmar 2013, cựu thủ tướng Anh luôn tỏ ra là một chính khách sắc sảo và cực kì thân thiện.

Thậm chí, có chuyện rất thú vị mà kể ra cũng không nhiều người tin, ông Blair chủ động hỏi business card của Hằng ba lần trong ngày hôm đó. Nhưng lần nào cũng là lúc Hằng đã dùng hết card nên cuối cùng đã viết trao đổi thông tin liên hệ với thư kí của ông. Ông Tony Blair khi ấy hóm hỉnh nói: “Chính trị gia cũng cần được giúp đỡ”. Vì mình biết người ta rất lịch sự, ngay từ chuyện hỏi business card, nên Hằng cũng tươi cười nói với ông: “Chưa biết có thể giúp được gì cho ông, nhưng nếu ông có dịp quay lại Việt Nam, tôi có thể mời ông tới một quán phở ‘gia truyền.’ Chính trị gia cũng nên được ăn ngon phải không…”

Biết “đủ” để cân bằng

Tôi thấy thú vị với một chia sẻ của Hằng với các bạn trẻ rằng sao các bạn bây giờ khác thế hệ của Hằng đến thế, trời mưa cũng lên facebook cáu! Cái ngày xưa của Hằng, có phải là một quá khứ “học, học nữa, học mãi” không?

Hằng muốn nói thêm, là Hằng tin thế hệ trẻ thời nào cũng tràn đầy năng lượng và luôn muốn được chia sẻ về bản thân. Facebook hay mạng xã hội chỉ là công cụ, và cũng là nơi tiếp xúc, kết bạn, chia sẻ mọi thứ rất nhanh và dễ dàng. Có thể đó là lý do nhiều người trẻ hiện tại hiếm khi giữ lại mà thường chia sẻ ngay cảm xúc cá nhân mình trên đó. Còn thời của Hằng, của nhiều 8X khác, mạng internet là một thứ gì đó khá ‘xa xỉ’, nên sẽ ít thấy những chuyện tương tự chăng?

Thế hệ 8X như Hằng cũng không chỉ có khẩu hiệu ‘học, học nữa, học mãi’ đâu, cũng có đi chơi, tụ tập bạn bè, có xem TV, nghe MTV Most Wanted, đọc truyện tranh (như Doraemon chẳng hạn)…

Còn bây giờ, sự học của Hằng liệu có còn dài ra nữa hay đã tạm mê mải với công việc hiện tại, rằng biết đủ là đủ mới khôn?

Cái này chắc có nhiều người nói rồi, không hẳn chỉ trên trường lớp mới là bạn đang học. Cá nhân Hằng cũng tin các trải nghiệm, từ cuộc sống đời thường tới công việc đều đang ít nhiều dạy cho mình bài học nào đó. Hằng vẫn đang cặm cụi vừa học, vừa làm.

Mà Hằng nghĩ hiểu biết nên đủ sao để cân bằng được mọi thứ trong cuộc sống của chính mình, có thể đóng góp cho xã hội, không gây phiền toái hay trở thành gánh cho bất kì ai, chứ không phải vì muốn được cho là ‘khôn’ hay ‘không khôn’.

Nếu vậy thì Hằng luôn muốn mình biết đủ.

CEO-Do-Thi-Thuy-Hang-iVIVU2

Đỗ Thị Thúy Hằng trên Tuổi Trẻ cuối tuần số ra ngày 23-3-2014 

Cách nào để truyền cảm hứng cho đối tác, đồng nghiệp và cộng sự? Hãy sống như cách Hằng đã sống hay cứ là chính mình thôi?

Hằng chỉ suy nghĩ rất đơn giản và thường chia sẻ với mọi người thế này: “Hằng là Hằng, bạn A là bạn A, bạn B là bạn B, bạn C là bạn C… Cuộc sống tốt đẹp hay sự nghiệp chúng ta đang cùng nhau gây dựng thì cần Hằng, cần A, cần B, cần C, cần tất cả. Và chắc chắn sẽ khó thành nếu thiếu đi bất kì dù chỉ là một trong số tất cả”.

Đây cũng là quan điểm về công việc của Hằng. Muốn thực sự làm điều gì đó lớn lao, cả team cần cùng chung sức, mỗi người mỗi việc, mỗi khả năng, mỗi chuyên môn. Một trong những điều quan trọng là phải nhận thức đúng, đủ, có trách nhiệm về vai trò của cá nhân mình trong một tập thể lớn.

Cảm ơn Hằng.

Cát Khuê (thực hiện)

Theo Tuổi Trẻ cuối tuần

Đánh giá