Cầu Nhật Tân, Thăng Long, Long Biên… thưa thớt xe cộ những ngày cách ly toàn xã hội khi dịch Covid-19 lan rộng.
Cảnh vắng xe khác lạ trên những cây cầu nổi tiếng Hà Nội
Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng nối quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh, Hà Nội. Cầu xây dựng từ năm 1979, đến năm 1985 hoàn thành với sự giúp đỡ của chuyên gia nước ngoài.
Cầu Thăng Long có kiến trúc đặc biệt với hai tầng. Tầng dưới, ở giữa là hai tuyến đường sắt (thiết kế theo khổ ray 1.435 mm), hai bên là đường xe thô sơ 3,5 m (có thể chạy ôtô 10 tấn). Tầng trên là đường ôtô rộng 15 m, cho bốn làn xe chạy; hai bên là đường cho người đi bộ rộng 1,5 m. Chiều dài toàn cầu tính theo đường sắt (tầng dưới) hơn 5,5 km, tính theo đường ôtô (tầng trên) hơn 3,1 km, theo đường xe thô sơ hơn 2,6 km.
Những ngày cách ly toàn xã hội, cầu Thăng Long vẫn có xe cộ lưu thông, tuy nhiên chủ yếu là xe tải chở hàng đi và về giữa thủ đô với các tỉnh phía bắc.
Cầu Nhật Tân hoàn thành tháng 1/2015, nối huyện Đông Anh bên kia sông với quận Tây Hồ, điểm đầu từ phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, điểm cuối tại xã Vĩnh Ngọc huyện Đông Anh.
Cầu Nhật Tân có tổng chiều dài 9,17 km, trong đó phần cầu chính là 3,9 km (đoạn cầu vượt sông Hồng chiếm 1,5 km) và phần cầu dẫn dài 5,27 km. Đây là một trong những dự án trọng điểm quốc gia có mức tổng số vốn đầu tư lên đến 13.626 tỷ đồng.
“Bông hoa” ngay dưới chân cầu Nhật Tân là nút giao giữa các tuyến đường Trường Sa, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp. Vào lúc 15h hàng ngày, nơi đây chủ yếu xe chở container, xe tải lưu thông.
Cầu Đông Trù bắc qua sông Đuống, hạng mục quan trọng nhất của dự án xây dựng đường 5 kéo dài, được thành phố Hà Nội xếp trong danh mục 37 công trình, dự án trọng điểm giai đoạn 2011-2015.
Cầu Đông Trù nối từ xã Đông Hội, huyện Đông Anh sang phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, cách cầu Đuống cũ khoảng 4,5 km. Nơi đây cũng vắng xe cộ như các cây cầu khác.
Nằm ở vị trí đắc địa kết nối trung tâm quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên và các vùng lân cận, từ năm 1985 đến nay, cầu Chương Dương đóng vai trò quan trọng đối với giao thông, phát triển kinh tế thủ đô.
Công trình sở hữu chiều dài 1,1 km, mặt cắt rộng 55 m với 8 làn xe, tổng giá trị 882 tỷ đồng.
Công trình do Viện Thiết kế giao thông (nay là Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải TEDI) thiết kế là cầu dầm thép. Nằm ở vị trí km170+200 quốc lộ 1A, cầu có chiều dài 1.230 m, gồm 21 nhịp, trong đó 11 nhịp thép, 10 nhịp bê tông. Cầu chia làm 4 làn xe chạy, ở giữa có phần cánh gà mỗi bên rộng 5 m, phía ngoài cùng có làn đường dành cho xe máy rộng 1,5 m.
Vào thời điểm cách ly toàn xã hội, cầu Chương Dương vắng hơn rất nhiều so với ngày thường. Hai làn ôtô giữa cầu nhiều thời điểm không bóng xe cộ.
Ngay gần cầu Chương Dương là cây cầu Long Biên lịch sử hơn trăm tuổi cùng nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên.
Cây cầu được xây dựng từ năm 1898 đến 1902 với chiều dài 2.290 m qua sông và 896 m cầu dẫn, 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ với lối kiến trúc độc đáo. Cây cầu được thiết kế với một đường sắt đơn chạy ở giữa còn hai bên là hai làn đường dành cho xe đạp và người đi bộ.
Hà Nội nhiệt độ tăng dần, tiết trời ấm áp cũng là nguyên nhân khiến nhiều người thích thú lên cầu Long Biên vào buổi chiều.