Được ví đẹp tựa như Sapa của Tây Bắc hay xứ sở mộng mơ Đà Lạt của núi rừng Tây Nguyên, Pù Luông đang dần trở thành một điểm du lịch hấp dẫn ở xứ Thanh với khung cảnh hoang sơ của núi rừng, những nếp nhà sàn giản dị hay những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ.
Cảnh đẹp nao lòng của Pù Luông – ‘Sapa của xứ Thanh’
Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Pù Luông được thành lập năm 1999, với tổng diện tích hơn 17.000 ha. Được thiên nhiên ưu ái, Pù Luông được các nhà khoa học đánh giá là một trong những KBTTN có giá trị lớn về khoa học, kinh tế xã hội và du lịch sinh thái – nơi có hệ sinh thái núi đá vôi thấp duy nhất ở miền Bắc Việt Nam với những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn hàng nghìn năm tuổi. Bên cạnh đó, Pù Luông đang còn lưu giữ nhiều hệ động thực vật quý hiếm có trong sách đỏ như Thông Pà Cò, nghiến, lan hài, voọc, báo gấm, gấu đen…
Trải nghiệm cuộc sống mộc mạc, hoang sơ
Pù Luông nằm ở phía Tây Bắc và cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 130 km, thuộc địa phận hai huyện Bá Thước và Quan Hóa. Theo tiếng gọi của đồng bào Thái Pù Luông có nghĩa là ngọn núi cao nhất trong vùng. Với vẻ đẹp hoang sơ, mê mẫn lòng người Pù Luông đang trở thành một điểm du lịch “phượt” độc đáo thu hút rất nhiều bạn trẻ và du khách nước người.
Khám phá Pù Luông, du khách sẽ phải băng qua những cánh rừng già âm u, huyền bí và vượt qua những cung đường hiểm trở, uốn lượn. Từ những cung đường này có thể phóng tầm mắt nhìn những dãy núi cao trùng điệp, thả hồn ngắm những bản làng, những nếp nhà sàn độc đáo ẩn mình giữa bạt ngàn rừng xanh, chìm nổi trong sương núi, mây trời. Nếu đi vào dịp tháng 6 hoặc tháng 10 du khách còn được ngắm những thửa ruộng bậc thang lúa xanh mướt, chín vàng tạo nên 1 bức tranh đẹp thơ mộng, yên bình.
Đến với Pù Luông, bạn có thể khám phá những thiên đường du lịch, hoang sơ giữa đại ngàn mà ai đến 1 lần đều nhớ mãi như bản Đôn (xã Thanh Lâm), bản Hiêu (xã Cổ Lũng), Cao Sơn (xã Lũng Cao) và bản Đông Điểng, Kho Mường (xã Thành Sơn), huyện Bá Thước… Tại đây du khách có thể ở lại bản trên các nhà sàn và hòa nhập vào cuộc sống của đồng bào Thái mộc mạc, chất phác với giá ngủ qua đêm không quá 100.000 đồng. Nếu muốn một không gian yên tĩnh, mộng mơ du khách có thể ngủ tại khu nghỉ dưỡng sinh thái ở bản Đôn với các dịch vụ hiện đại tầm cỡ 3 – 4 sao với không gian thiết kế nhẹ nhàng, phong cách. Hoặc nếu không bạn có thể cắm trại ở ngay trong rừng để hòa mình với thiên nhiên.
Đặc biệt, tới đây bạn sẽ được thượng sơn lên với bản làng đang còn “say ngủ” Cao Sơn (tên chung của 3 bản Son, Bá, Mười, thuộc xã Lũng Cao) – là nơi được xem là thâm sơn cùng cốc của dãy Pù Luông hùng vĩ cao gần 2.000 m. Ở đây mây mù bao phủ quanh năm, nhiệt độ thường ở mức 18 – 22 độ C. Đây là vùng đất mà nhiều đứa trẻ và người già chỉ biết họ như đang sống ở một thế giới khác, là vùng đất mà nhiều du khách đặt chân đến đã ví như một “Sapa giữa lòng xứ Thanh”.
Chợ phố Đòn thuộc xã Lũng Niêm (huyện Bá Thước) là một ngôi chợ có từ Pháp thuộc cũng là điểm đến hấp dẫn. Ngôi chợ quê mang đậm nét hoang sơ ở vùng cao phía Tây Thanh Hóa này là nơi giao thương hàng hóa và gặp gỡ của đồng bào các dân tộc Kinh, Mường, Thái ở các xã quanh vùng và người dân huyện Tân Lạc, Lạc Sơn (Hòa Bình). Chợ chỉ họp thứ 5 và chủ nhật. Người dân đến chợ không chỉ để mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là dịp để họ giao lưu, thăm hỏi và gặp gỡ nhau. Họ đến chợ với đủ thứ hàng, từ con nhím, con sóc mới bẫy được trong rừng, hay con gà, bó rau, con cá… Tất cả kẻ bán và người mua ai cũng đều hồ hởi, thoải mái mỗi khi xuống chợ.
Một điểm nhấn để Pù Luông tò mò, hấp dẫn du khách là những món ngon dân dã của người dân bản địa như: đặc sản vịt Cổ Lũng, gà đồi, lợn mán nướng, măng đắng, ốc núi, cơm lam, nộm hoa chuối rừng… Đến đây du khách sẽ được thưởng thức món canh đắng, được nấu với lòng gà, heo… Loại canh này ăn rất đắng nấu từ một loại lá rừng, ai chưa từng ăn sẽ thấy rùng mình, nhưng khi đã thưởng thức, hương vị đắng ngọt khiến bạn còn nhớ mãi.
Vùng đất còn “say ngủ”
Dù tiềm năng và thế mạnh của Pù Luông là không phải bàn cãi, chẳng phải thế mà trước kia khi người Pháp tới Thanh Hóa, họ từng có ý định biến nơi đây thành khu nghỉ mát lý tưởng. Thế nhưng với những gì hiện có, Pù Luông chưa phát huy hết thế mạnh của mình, chưa xứng tầm với các thiên đường du lịch khác dù tiềm năng có thừa.
Theo báo cáo của Ban quản lý KBTTN Pù Luông, hàng năm có hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến khám phá Pù Luông. Du khách đến đông thường vào 2 thời điểm, cuối tháng 5 đầu tháng 6 đây là thời điểm Pù Luông bắt đầu vụ lúa mới, những cánh đồng và khu ruộng bậc thang sẽ khoác một lớp áo xanh mướt. Mùa này dù miền xuôi nắng như đổ lửa nhưng khí hậu trên này khá mát mẻ, dễ chịu. Tháng 9 và 10 là thời điểm Pù Luông bước vào mùa lúa chín, tất cả các khu ruộng bậc thang bên sườn đồi sẽ chuyển sang màu vàng rực rỡ. Đây chính là lúc mà Pù Luông hút du khách, đặc biệt là những người mê du lịch phượt.
Để đánh thức Pù Luông, năm 2008 Tổ chức động thực vật Quốc tế FFI phối hợp với Ban quản lý KBTTN Pù Luông triển khai thực hiện dự án xúc tiến du lịch sinh thái, phát triển du lịch cộng đồng, trong đó có việc chọn một số gia đình tiêu biểu để trang bị cơ sở vật chất đạt chuẩn homestay (du lịch xanh) để có thể đón khách du lịch trong và ngoài nước, nhằm phát triển du lịch cộng đồng ở nơi đây.
Chương trình này FFI sẽ hỗ trợ đào tạo cư dân trong cộng đồng biết cách chế biến, nấu ăn đạt chuẩn phục vụ du khách và tiến tới dạy Tiếng Anh cho một số người để có thể làm hướng dẫn viên phục vụ du khách… Đến nay, đã có 20 hộ được hỗ trợ xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng và các trang thiết bị cho các hộ làm du lịch ở 5 xã thuộc 2 huyện Quan Hóa và Bá Thước.
Ông Lê Thế Sự, Giám đốc KBTTN Pù Luông, cho biết dù Pù Luông đã có bước chuyển mình, nhưng còn quá nhỏ so với tiềm năng và thế mạnh của Pù Luông. “Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ở Pù Luông vẫn đang bỏ ngỏ, chưa có chính sách đầu tư phát triển xứng tầm mà vẫn mang tính tự phát, manh mún” – ông Sự nói.
Theo Người Lao Động