Cá Ông Nược từ lâu đã trở thành huyền thoại của vùng sông nước miền Tây. Đây là loài cá hiếm thấy nhưng lại mang giá trị tâm linh thiêng liêng đối với người dân nơi đây.
Cá Ông Nược – Huyền thoại vùng sông nước miền Tây
Cá Ông Nược là một loài động vật có vú thuộc họ cá heo biển, thường sống ở khu vực ven biển Đông Nam Á. Trước đây, loại cá này thường được tìm thấy Myanmar, Indonesia, đặc biệt là khu vực sông Mê Kông tại Campuchia và Việt Nam.
Ở miền Tây ngày trước, đặc biệt là ngư dân, không ai dám gọi là cá Nược hay cá Nược Minh Hải, mà phải gọi là Ông. Lí giải về cách gọi này, người xưa cho rằng, vì cá sống lâu năm và hay giúp đỡ ngư dân khi có nạn nên người ta thể hiện sự tôn kính bằng cách gọi là “Ông Nược”.
Cá Nược thuộc họ cá voi biển nên khá to, toàn thân trơn nhớt, lưng cá có màu nâu đen và bụng nhạt màu hơn. So với cá Nược cái, cá Nược đực thường to hơn và có bộ phận sinh dục dài khoảng 5cm. Cá cái có vú lớn mọc ở vây trước. Mỗi lần cá đẻ được 1 con, cá con nặng khoảng 10kg, bú vú mẹ cho đến khi tự tìm được thức ăn. Khi trưởng thành, cá Nược có thể dài 2.5m và nặng đến 400kg. Tuy có kích thước lớn đến vậy, loài cá này được đánh giá là rất hiền và sống hòa đồng cùng với các sinh vật khác. Có người cho rằng, thức ăn của cá Nược là thủy sinh, phiêu sinh nhưng có người lại cho rằng thức ăn chính của cá Nược lại là các loại cá nhỏ.
Mặc dù hiện giờ rất khó tìm gặp cá Nược ở những con sông miền Tây như trước, nhưng theo quy định, cá Nược vẫn được bảo vệ trong Công ước CITES; không được phép mua bán, trao đổi dưới bất kì hình thức nào. Cho nên bất kì ai, đặc biệt là ngư dân trong khi đánh bắt nếu phát hiện được cá Nược, phải báo ngay với chính quyền địa phương.
Theo iVIVU.com