Không nổi tiếng như món bún bò, không cầu kỳ như những món ăn cung đình, bún mắm nêm Huế chỉ giản dị chân chất như chính con người Huế, nhưng lại chứa đựng hương vị hấp dẫn khó chối từ!
Bún mắm nêm Huế đậm đà hương vị gây “nghiện” cho thực khách
Cách nấu bún mắm nêm
Mắm nêm có mặt ở nhiều tỉnh ven biển miền Trung, hầu như tỉnh nào cũng sản xuất loại mắm dân giã này. Tuy nhiên ở mỗi vùng, cách chế biến món mắm khi ăn lại khác nhau, cho ra nhiều món ăn đi kèm mắm nêm rất đa dạng.
Với người Huế, việc nấu mắm nêm sao cho tròn vị, kích thích vị giác thực khách cũng là một nghệ thuật. Phải pha sao cho không quá mặn, không bị nhạt, cũng không ngọt nhằm hợp khẩu vị với nhiều người, mắm dậy mùi thơm hấp dẫn.
Mắm nêm dùng trong bún mắm nêm Huế phải là loại mắm đặc biệt, chính hiệu do người Huế sản xuất. Sau đó mắm được chưng cùng nước cốt dứa, hòa thêm ít đường và mì chính. Sau cùng thì thêm tỏi, ớt băm và nước cốt chanh để mắm đậm vị và dậy mùi thơm.
Sau khi pha mắm, thịt lợn được luộc chín, rồi xắt thành miếng vừa ăn. Những tấm đậu phụ trắng được rán vàng đều các mặt và cắt nhỏ, chả lụa thì xắt sợi.
Bún mắm nêm Huế không thể thiếu rau sống. Mớ rau có nhiều thứ như xà lách, rau thơm, bắp chuối, dưa chuột… Riêng phần đậu phộng thì được rang vàng giòn và giã dập để rắc lên tô bún mắm cho thêm phần béo bùi.
Xếp lần lượt rau sống, bún, thịt, chả, đậu phụ, dưa giá và rắc thêm ít đậu lạc vào tô, cuối cùng là chan vài thìa mắm nêm vào rồi trộn đều các thứ cho thấm vị mắm. Vị ngọt của thịt, chả và đậu phụ, vị thanh của thơm, vị bùi của đậu phộng rang, vị cay của ớt, vị nồng của tỏi, vị chua của chanh, sự tươi ngon của rau, giòn của dưa giá… kết hợp với vị mắm nêm đặc trưng tạo nên món ngon khó cưỡng, một khi đã ăn rồi thì thương nhớ mãi.
Bún mắm nêm Huế chính gốc
Đến ăn bún mắm nêm Huế ở bất kỳ hàng quán nào ở thành phố này, du khách sẽ thấy chủ quán bày ra hai tô bún, một chén mắm nêm đầy ắp, thêm dĩa rau sống xanh mơn mởn, nào là hoa chuối thái mỏng tanh, xà lách non, rau thơm, rau mùi, giá đỗ…
Tô bún có lớp dưới cùng là rau sống, lớp thứ hai là bún sợi tươi, lớp thứ ba là những lát thịt thủ thái mỏng, hồng hồng, mỡ trắng mỏng, lẫn vài lát tai heo giòn. Còn lại việc chan mắm nêm là của thực khách. Nhưng hãy cẩn thận vì vị cay của mắm có thể khiến bạn bất ngờ.
Mắm nêm xứ Huế khác hẳn tất cả các loại mắm khác. Mùi mắm không quá nồng mà rất thanh. Hương vị hướng về vị ngọt đậm đà pha chút mặn dịu, nếu đã ăn thử rồi thì có thể “nghiện”.
Mắm nêm đã ngon, nhưng để thành thứ mắm rưới lên tô bún thì phải trải qua một bước chế biến kỳ công nữa. Mỗi người bán bún đều có bí quyết riêng, nhưng chung quy thì mắm thường được chưng lên với màu điều, dứa bằm nhỏ, ớt cay. Công đoạn đó sẽ khiến mắm bùng hương vị, dậy màu nâu đỏ óng ánh và hương thơm nức mũi, khiến ai cũng hít hà.
Giờ đây, để chiều lòng thực khách đến từ mọi miền, bún mắm nêm Huế đã không còn cay nhiều như trước nữa. Mà thay vào đó người bán để trên bàn chén ớt sa tế, để thực khách tự gia giảm vị cay. Và không chỉ là thịt thủ, tai heo như xưa, giờ tô bún mắm nêm đa dạng hơn với thịt ba chỉ, giò chả, nem chua… khách thích nhân gì cũng được chủ quán chiều lòng.
Theo iVIVU.com