19-01-2024 16:17

Bộ tộc sẵn sàng giúp đỡ người lạ

Bộ tộc sẵn sàng giúp đỡ người lạ

Bộ tộc Chukchi giúp đỡ người xa lạ chỗ ở và thức ăn, dù sinh sống trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của vùng lãnh nguyên Siberia.

Bộ tộc Chukchi sẵn sàng giúp đỡ người lạ

Chukchi hay Chukchee là bộ tộc sinh sống ở bán đảo Chukotka, khu tự trị ở đông bắc Siberia. Đây là khu vực có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nhất ở Nga. Mùa đông, nhiệt độ có thể giảm tới -50 độ C, do gió thổi vào từ Bắc Băng Dương và biển Bering. Hiện nay dân số của bộ tộc còn khoảng 150.000 người.

Người Chukchi đã sinh sống ở vùng lãnh nguyên trước thời kỳ Kitô giáo. Họ tự gọi mình là Luoraveti, có nghĩa là những người chân thật. Không giống như nhóm bản địa khác ở Siberia, Chukchi không bị khuất phục bởi quân đội trong thế kỷ 17. Cho đến những năm 1930, bộ tộc đã phải gia nhập các tập thể kinh tế do nhà nước quản lý. Đời sống, văn hóa của họ từ đó đã ghi nhận nhiều biến đổi.

Người Chukchi nói chung ngôn ngữ Paleosiberia. Họ không có chữ viết cho đến năm 1931. Ảnh: Ivan Chesnokov.

Người Chukchi nói chung ngôn ngữ Paleosiberia. Họ không có chữ viết cho đến năm 1931. Ảnh: Ivan Chesnokov.

Điều kiện sống của người Chukchi

Theo truyền thống, bộ tộc Chukchi chia thành 2 nhóm chính theo nghề nghiệp là sống trong nội địa bán đảo và nhóm sống dọc bờ biển. Người Chukchi nội địa sinh sống theo hình thức du mục, chăn tuần lộc và sống trong lều. Họ thay đổi chỗ ở dựa trên sự phát triển của đồng cỏ, lấy nguồn lương thực cho đàn gia súc. Nhóm người sống ở ven biển làm các công việc săn bắt hải cẩu, cá voi, hải mã và sư tử biển.

Nhà truyền thống của người Chukchi chăn tuần lộc là yaranga, có hình chóp nón hoặc tròn. Bên trong buồng ngủ là giường làm từ lông động vật dành cho nhiều người. Ngày nay, họ đã dần rời bỏ những chiếc lều, để sống ở nhà gỗ một tầng và các tòa nhà chung cư cũ. Theo truyền thống, người Chukchi sử dụng xe chó kéo, xe tuần lộc và thuyền da để vận chuyển hàng hóa. Song song với phương thức vận chuyển truyền thống, người dân đã có thêm phương tiện thuyền máy, xe trượt tuyết.

Các loại thực phẩm chính của người Chukchi là thịt nai luộc, súp tiết, não và tủy xương tuần lộc. Người ở vùng ven biển thường ăn thịt hải cẩu luộc, thịt cá voi, rong biển. Ngoài ra còn có cá đông lạnh và các loại rễ cây. Với cuộc sống hiện đại hơn, thực phẩm đã được bổ sung thêm rau, thịt đóng hộp, bánh mì và thực phẩm chế biến sẵn.

Trước đây, bộ tộc không được tiếp xúc với y học, do thiếu cây thuốc và các khoáng chất. Người Chukchi không có hệ miễn dịch với các loại bệnh nên rất dễ lây bệnh đậu mùa, cúm. Tuổi thọ trung bình của họ là 45 tuổi.

Đời sống văn hóa bộ tộc

Do khí hậu khắc nghiệt và đời sống khó khăn của vùng lãnh nguyên, các thành viên trong cộng đồng phải phụ thuộc và giúp đỡ lẫn nhau. Lòng hiếu khách và sự hào phóng là phẩm chất được đề cao với người Chukchi. Họ không được phép từ chối giúp đỡ người khác, ngay cả đó là những người xa lạ, đang gặp khó khăn về chỗ ở, thiếu thốn thức ăn. Cộng đồng sẽ chăm sóc cho trẻ mồ côi, góa phụ và người nghèo. Sự keo kiệt, ích kỷ bị coi là tính xấu nhất với họ.

Trong gia đình, nam giới làm những công việc như săn bắn, câu cá, kiếm củi. Còn phụ nữ dọn dẹp, sửa chữa những chiếc lều yaranga, nấu ăn, may vá, sửa chữa quần áo. Trẻ em Chukchi ngày nay đã đi học ở các trường nội trú tiểu học và trung học. Ngoài ngôn ngữ truyền thống, họ học đọc, viết thêm bằng tiếng Nga.

Phụ nữ đóng vai trò nội trợ và vị thế của họ đã dần thay đổi từ thế kỷ 20. Ảnh: Jimmy Nelson.

Phụ nữ đóng vai trò nội trợ và vị thế của họ đã dần thay đổi từ thế kỷ 20. Ảnh: Jimmy Nelson.

Quần áo truyền thống của bộ tộc Chukchi là kerker, áo choàng may dài đến đầu gối được làm từ da tuần lộc, lông cáo, chó sói. Phụ nữ có thêm những chiếc váy giống như áo choàng, được trang trí với các hạt cườm, thêu và trang trí lông thú. Cả 2 giới đều mang giày cao và đồ lót da.

Người dân phát triển hình thức nghệ thuật dân gian điêu khắc và chạm khắc trên xương động vật. Các chủ đề truyền thống là phong cảnh cuộc sống hàng ngày như săn bắn, chăn tuần lộc, các loài động vật ở bán đảo. Tuy nhiên, chỉ có nam giới làm các công việc điêu khắc, còn phụ nữ thì may vá, thêu thùa.

Bộ tộc Chukchi tin rằng động, thực vật, các thiên thể, sông, rừng đều có linh hồn riêng. Họ tạo dựng những truyền thuyết dân gian về việc tạo ra trái đất, mặt trăng, mặt trời và ngôi sao. Một số câu chuyện nói về những linh hồn xấu xa gây ra bệnh tật và những điều bất hạnh.

Hàng năm, bộ tộc tổ chức các nghi lễ, để pháp sư trò chuyện với các linh hồn và dự đoán tương lai. Ngoài ra là lễ hiến tế vào mùa hè, mùa thu, lần lượt được thực hiện bởi người Chukchi vùng biển và người chăn tuần lộc.

Ngày nay, càng có nhiều người rời khỏi bộ tộc, để định cư tại các thị trấn và tìm việc làm, nhà ở. Lối sống của họ cũng bị đe dọa bởi các vấn đề khai thác, ô nhiễm do công nghiệp. Theo thống kê mới nhất năm 2015, chỉ còn khoảng 1.000 người chăn tuần lộc duy trì lối sống truyền thống.

Theo Lan Hương/ Vnexpress

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan