19-01-2024 13:59

Bộ tộc nguyên thủy sống giữa rừng già ở Indonesia

Bộ tộc nguyên thủy sống giữa rừng già ở Indonesia

Qua nhiều thế hệ, tộc người Kombai vẫn sinh sống và săn bắn trong những khu rừng rậm ở Papua, Indonesia.

Bộ tộc nguyên thủy sống giữa rừng già ở Indonesia

Wanggemalo, ngôi làng nhỏ ẩn trong rừng già của tỉnh Papua, Indonesia là nơi sinh sống của bộ tộc Kombai và nhiều người bản địa khác.

Vũ khí của người Kombai là cung tên và rìu tự chế. Ảnh: Frederic Lagrange.

Vũ khí của người Kombai là cung tên và rìu tự chế. Ảnh: Frederic Lagrange.

Để đến đây, bạn phải di chuyển vài ngày trong khu rừng nóng ẩm với những con đường bùn lầy và bệnh sốt rét luôn rình rập. Tuy nhiên, khi tiến gần đến nhà trên cây của người Kombai, những người lạ sẽ bị đàn ông trong bộ tộc chặn lại và kiểm tra. Họ mang theo cung tên, loại vũ khí làm từ xương đà điểu và thân mía khô.

Hàng ngày, đàn ông của bộ tộc đi săn lợn, đà điểu, thú có túi trong những khu rừng lân cận. Bạn đồng hành của họ là một loài chó nhỏ, có nhiệm vụ đánh hơi và săn mồi. Ngoài ra, người Kombai cũng thường câu cá bên suối. Họ xây dựng những đập nhỏ, sau đó giã rễ cây độc và thả xuống nước, chờ đến khi cá ngoi lên và bắt chúng.

Lợn được xem là tiền tệ với người Kombai. Ảnh: Frederic Lagrange.

Lợn được xem là tiền tệ với người Kombai. Ảnh: Frederic Lagrange.

Đàn ông của bộ tộc có nhiệm vụ đốn hạ những cây cọ sago mọc trong rừng. Sau đó, phụ nữ và trẻ em gái làm khô ruột cây, nghiền nát và nướng chúng như một loại bánh mì, nhằm cung cấp thêm tinh bột trong khẩu phần ăn. Một cây sago lớn có thể cung cấp đủ thức ăn cho gia đình ít nhất một tuần.

Cây sago còn mang đến món ăn khác cho người Kombai là ấu trùng bọ cánh cứng Capricorn. Những người đàn ông thường đốn cây và quấn chúng bằng lá. Sau ba tháng, thân cây mục nát trở thành nơi sinh sản của những loài bọ cánh cứng. Lúc này họ quay lại và thu hoạch ấu trùng. Đối với người Kombai và bộ tộc láng giềng Korowai, đây là món ăn xa xỉ, thường được dùng để đãi khách trong những lễ hội truyền thống.

Người Kombai tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào của rừng già để làm trang phục. Đàn ông thường dùng quả bầu vỏ cứng hay mỏ chim để che dương vật, một số người còn đeo vòng cổ làm từ răng chó. Phụ nữ mặc váy cỏ và đội mũ, làm từ rêu khô hoặc lông vũ. Họ để trẻ nhỏ trong một chiếc túi bằng rễ cây, đeo lên trán và mang chúng vào rừng.

Dù dao rựa và kim loại dần trở nên phổ biến hơn, đàn ông Kombai vẫn mang theo một chiếc rìu tự chế, được làm từ một mảnh đá gắn vào khúc cây. Chúng thường được lưu giữ và truyền lại qua nhiều thế hệ trong mỗi gia đình.

Để bảo vệ bộ tộc khỏi lũ lụt, động vật hoang dã và chống lại kẻ thù, người Kombai dựng nhà cây cao 6-25 m so với mặt đất, mái làm từ tán cây sago. Cách duy nhất để tiếp cận nhà của họ là trèo lên một chiếc thang làm từ thân cây. Tuy nhiên, chỉ đàn ông trong bộ tộc được ngủ trên nhà cây, còn phụ nữ ở lại trong ngôi nhà nhỏ dưới mặt đất. Phần lớn thời gian trong ngày họ không ở hay ăn uống cùng nhau.

Ngôi nhà trên cây có thể dựng cao tới 50 m trong thời điểm xung đột giữa các bộ tộc. Ảnh: Frederic Lagrange.

Ngôi nhà trên cây có thể dựng cao tới 50 m trong thời điểm xung đột giữa các bộ tộc. Ảnh: Frederic Lagrange.

Kể từ lần đầu tiên được phát hiện bởi một nhà truyền giáo người Hà Lan cách đây gần 40 năm, cộng đồng Kombai hiện còn khoảng 4.000 người ở Indonesia. Ngày nay, lãnh thổ và lối sống nguyên thủy của bộ tộc Kombai bị đe dọa nghiêm trọng bởi nạn phá rừng, sự bất ổn chính trị, khai thác và buôn bán gỗ. Những người bản địa trên hòn đảo là hy vọng cuối cùng để bảo vệ vùng đất mà tổ tiên của họ đã sinh sống hàng nghìn năm.

Kombai là một trong những bộ tộc nguyên thủy còn sót lại ở Indonesia. Họ vẫn duy trì lối sống săn bắn, hái lượm, có ngôn ngữ riêng. Một số công ty du lịch đưa khách đến thăm nơi ở và trải nghiệm lối sống của người Kombai, với hướng dẫn viên địa phương.

Thông thường tour khởi hành từ sân bay của Wamena, thị trấn lớn nhất ở Papua tới làng Yaniruma, 45 phút. Sau đó, bạn qua sông Dairam và những khu rừng già của tỉnh Papua. Từ Dayo, một ngôi làng nhỏ bên dòng sông Dairam, hướng dẫn viên và đoàn khuân vác đồ đưa du khách tới lãnh thổ của người Kombai. Hành trình này thường kéo dài khoảng 3 ngày, mỗi ngày đi bộ 4-5 tiếng.

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan