“Do Hạ Long có rất nhiều khách du lịch đến từ Trung Quốc, Đài Loan và cộng với sự thiếu hiểu biết của người dân kinh doanh nên đua nhau biển hiệu in chữ Trung Quốc”.
Ông Ðoàn Mạnh Linh, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Du lịch, Sở VH-TT và DL tỉnh Quảng Ninh giải thích nguyên nhân “phố ta hóa… phố Tàu” ở TP. Hạ Long.
Tuyến đường du lịch chạy dọc bãi biển Bãi Cháy của TP. Hạ Long giống một khu phố Tàu bởi đầy rẫy biển hiệu in chữ Trung Quốc.
Chưa đầy một cây số trên tuyến đường mang tên Hạ Long của TP. Hạ Long, có thể thấy hàng chục biển hiệu khách sạn, cửa hàng bán đồ lưu niệm… in đầy chữ Trung Quốc. Ngay biển hiệu của hai khu mua sắm lớn nhất dành cho du khách đến Hạ Long là Chợ đêm Hạ Long và Siêu thị Thanh Niên cũng “chú thích” dòng chữ Trung Quốc nổi bật hơn cả dòng chữ Việt.
Đại diện Sở VH-TT và DL tỉnh Quảng Ninh, ông Ðoàn Mạnh Linh thừa nhận hiện tượng này đang diễn ra phổ biến ở một số điểm du lịch tỉnh Quảng Ninh như Móng Cái, Hạ Long…
Ông Linh cho biết, nguyên nhân tình trạng này là do tại những địa điểm này, khách du lịch đến từ Trung Quốc và Đài Loan rất nhiều nên người kinh doanh thường in biển quảng cáo bằng chữ Trung Quốc để thu hút lượng khách này.
“Người dân không làm biển quảng cáo có chữ tiếng Anh bởi phần lớn khách du lịch Trung Quốc đến đây không biết tiếng Anh. Trong khi đó, người dân lại muốn gây sự chú ý trực tiếp vào lượng du khách đông đảo đến từ Trung Quốc”, ông Linh nói.
Bên cạnh đó, phải kể đến sự kém hiểu biết pháp luật của người dân, cùng với tâm lý ganh đua, thấy nhà này làm biển quảng cáo chữ Trung Quốc, nhà bên cạnh cũng làm, người sau cố làm to hơn người trước…
Ông Linh cho rằng, để diễn ra hiện tượng như vậy, có phần trách nhiệm của ngành VH-TT và DL tỉnh Quảng Ninh. Bản thân Sở đã tổ chức nhiều đoàn thanh kiểm tra, ra quân dẹp các sai phạm trên, trung bình mỗi quý có 3 đợt ra quân kiểm tra. Qua quá trình kiểm tra, Sở cũng đã xử phạt nhiều đơn vị sai phạm.
“Tuy nhiên, khi đoàn kiểm tra đến nhắc nhở, dẹp biển quảng cáo sai phạm, nhưng sau đó lại đâu vào đấy, người dân vẫn tiếp tục vi phạm”, ông Linh nói.
Bên cạnh đó, do địa bàn tỉnh rộng, trong khi lực lượng thanh kiểm tra mỏng nên vẫn còn những nơi sai phạm. Ngoài ra, trong quá trình đoàn kiểm tra làm việc cũng vấp phải sự thiếu hợp tác của một vài hộ dân. Nhiều hộ dân vì muốn đạt hiệu quả kinh doanh mà sẵn sàng làm sai luật, phản ứng lại với cán bộ thanh kiểm tra.
Đại diện Sở VH-TT và DL cho biết, đầu tuần tới, Sở sẽ tổ chức ra quân dẹp các sai phạm biển hiệu quảng cáo tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, sẽ có những biện pháp tuyên truyền giáo dục để người dân kinh doanh đúng pháp luật.
Khoản 2, Điều 18 của Luật Quảng cáo quy định:
Trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp nhãn hiệu hàng hoá, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt; Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt.