Trong hồ Roopkund, người ta xác định các bộ xương người có gốc gác khác nhau, gợi mở ra nhiều câu hỏi hơn một lời giải.
Bí ẩn về hồ Roopkund chứa hàng trăm bộ hài cốt trên dãy Himalaya
Tọa trên độ cao hơn 5.029 mét so với mực nước biển, hồ Roopkund có 800 bộ hài cốt ẩn sâu dưới lớp băng giá, nên còn được gọi là “Hồ Xương”. Địa danh này nằm cạnh cung đường hành hương của những người địa phương dự lễ hội Nanda Devi Raj Jat nổi tiếng ở Uttarakhand, Ấn Độ.
Hồ nước trở thành một phần truyền thuyết của người dân trong vùng. Chuyện kể rằng một vị vua và hoàng hậu cùng đoàn người hầu đã hành hương tới điện thờ nữ sơn thần Nanda Devi. Nhưng họ đã có những hành động ăn mừng mạo phạm tới nữ thần và phải hứng cơn thịnh nộ từ ngọn núi Nanda Devi.
Vào cuối thế kỷ 19 đã có nhiều báo cáo về sự xuất hiện của những bộ xương ở hồ Roopkund nhưng các kiểm lâm Ấn Độ lần đầu tiên “phát hiện” ra điều này vào năm 1942, trong thời kỳ Thế chiến II. Xương nằm rải rác khắp nơi, không một bộ hài cốt nào được tìm thấy còn nguyên vẹn. Giới chức thời ấy tin rằng hàng trăm bộ xương thuộc về một đội quân xấu số hoặc một thương đoàn bỏ mạng vì bão.
Một số chuyên gia lại cho rằng hồ nước này trở thành mồ chôn tập thể của những nạn nhân tử vong trong một tai nạn thảm khốc thời cổ xưa như sạt lở đất, mưa đá, thảm sát, bệnh tật hay tự sát tập thể.
Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Communications, các nhà khoa học phân tích cấu trúc gene của 38 bộ hài cốt. Kết quả cho thấy họ không liên quan tới nhau, thậm chí có chế độ ăn uống khác nhau.
Trong đó 23 người có gốc gác từ Nam Á – cụ thể là Ấn Độ ngày nay, chết trong một hoặc nhiều sự kiện giữa thế kỷ thứ 7 và 10. 14 nạn nhân khác tử vong hơn 1.000 năm trước, nhiều khả năng trong cùng một mốc thời gian. Những người này lại có mối liên kết với tổ tiên từ vùng Địa Trung Hải, tức khu vực Hy Lạp ngày nay. Không chỉ vậy, bộ hài cốt thuộc về một nạn nhân còn lại chết cùng thời điểm với 14 người trên lại có gốc gác từ Đông Nam Á.
Dường như những dữ liệu này lại gợi mở ra nhiều câu hỏi hơn một lời giải cho bí ẩn của Hồ Xương. “Nguồn gốc của những bộ xương này vẫn là một ẩn số, vì họ không phải đối tượng được nghiên cứu nhân học hay khảo cổ có hệ thống, và hồ nước này thường xuyên chịu tác động từ thiên nhiên, ví dụ như lở đá. Ngoài ra, người hành hương và các nhà leo núi thường xuyên đặt chân tới đây, xê dịch những bộ xương hay lấy đi nhiều cổ vật”, nghiên cứu viết.
Éadaoin Harney, một thành viên của nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Harvard, nói: “Chúng tôi bất ngờ trước mẫu gene của những bộ hài cốt ở Roopkund. Những cá nhân có tổ tiên đến từ vùng đông Địa Trung Hải cho thấy hồ Roopkund không chỉ là nơi người địa phương phải hiếu kỳ, mà còn thu hút những vị khách từ khắp địa cầu”.
Theo Bảo Ngọc/ Vnexpress