Bảo vật quốc gia cửa võng đình Diềm nằm ở xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh có tuổi đời hơn 300 năm, là kiệt tác chạm khắc gỗ, thể hiện đỉnh cao nghệ thuật chạm khắc gỗ kết hợp sơn son thếp vàng.
Bảo vật quốc gia cửa võng đình Diềm – Kiệt tác điêu khắc ở Bắc Ninh
Đình Diềm hay còn gọi là đình Viêm Xá, nay thuộc thôn Viêm Xá, xây dựng vào niên hiệu Chính Hòa 13 (1692), đây là một trong những “đệ nhất Kinh Bắc”. Đình Diềm đang lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị cao, trong đó cửa võng đình Diềm là bảo vật gần như “độc nhất vô nhị”.
Đình Diềm thờ Đức thánh Tam Giang Trương Hống, Trương Hát. Hai vị thánh từng giúp Triệu Việt Vương đánh tan giặc Lương và giúp Lý Thường Kiệt đánh quân Tống trên sông Như Nguyệt. Đặc biệt làng Diềm còn là làng quan họ cổ, trong đình thờ Vua Bà, thủy tổ quan họ.
Bức võng được làm bằng gỗ, ra đời ở thời kỳ Lê Trung Hưng, được xem là giai đoạn rực rỡ nhất của nghệ thuật điêu khắc gỗ thời phong kiến ở Việt Nam. Nhưng đến nay vẫn không thấy tư liệu nào về những nghệ nhân làm ra tác phẩm này.
Cao 7m, rộng gần 4m, chạy dài từ thượng lương đến nền đình, bức võng được chia làm năm tầng. Mỗi tầng trang trí các chủ đề khác nhau nhưng đều có mối liên kết hài hòa, uyển chuyển, mang vẻ đẹp nhân sinh, vẻ đẹp cuộc sống lao động và thể hiện khát vọng phồn thực.
Tầng trên cùng đại diện cho thượng giới, với hình mặt trời ở chính giữa, chầu xung quanh là bốn con rồng, lưng cưỡi 4 tiên nữ đang múa.
Tầng thứ hai được chia làm ba lớp diềm, chạm thủng và lui sâu dần vào phía trong. Hình ảnh ở tầng võng này vẫn là thế giới thần tiên, với đầu tiên nữ, mắt võng hình bông sen, chim phượng ngậm đèn lồng. Những chi tiết chạm khắc rất mảnh, nhỏ, nhưng vô cùng sắc nét.
Trung tâm bức võng là phần chạm khắc phức tạp nhất. Ba bộ cửa võng được chạm sâu, gồm 9 lớp lồng với nhau, hun hút với diềm mây lá cách điệu, 54 đầu rồng nhưng tuyệt nhiên không có chiếc nào có kiểu dáng giống nhau.
Ngoài yếu tố tôn nghiêm, cửa võng đình Diềm còn có nhiều cảnh sinh hoạt bình dân, như cụ già chơi cờ, đàn ông cởi trần đóng khố, voi, chim thú. Hình ảnh người phụ nữ xuất hiện dày đặc, với các hình chạm trổ cô gái ngồi mân mê bím tóc, tay vịn cành tre.
Nhiều hình tượng xuất hiện trong bức võng không bắt gặp ở bất cứ nơi nào khác, như hình một con quỷ thân người, đầu khỉ đang ôm phía dưới bụng ngựa và một tay bóp đầu sinh thực khí của ngựa.
Đình Diềm khi xây dựng có ba gian hai chái, phần mái được chống đỡ hoàn toàn bởi hệ thống cột gỗ trơn. Hai bên là sàn ván gỗ, chính điện lát đá xanh. Phần sàn gỗ của đình được du kích dỡ ra làm nắp hầm bí mật trong những năm kháng chiến chống Pháp.
Đầu năm 1950, quân Pháp tràn về làng. Người dân phải đi sơ tán. Khi trở về, người làng Diềm vô cùng bất ngờ vì mái đình tiêu điều xác xơ, nhưng riêng chính điện lát đá xanh, và bức võng chín tầng vẫn nguyên vẹn, óng ánh sơn son thếp vàng.
Năm 1964, đình Diềm trở thành một trong những công trình đầu tiên của cả nước được công nhận Di tích cấp quốc gia. Tháng 8 năm 1971, một trận lũ lụt xảy ra khiến những tượng thánh và bức cửa võng đình Diềm trôi lềnh bềnh trong nước lũ. Tuy vậy, cửa võng chỉ bết bùn chứ không hề mục ruỗng, hư hỏng.
Đến năm 2020, cửa võng đình Diềm được công nhận Bảo vật quốc gia, trở thành niềm tự hào của người dân làng nói riêng và người dân cả nước nói chung.
Theo iVIVU.com