Thành phố đứng đầu trong danh sách “must to see” với chúng tôi khi đặt chân tới Tây Ban Nha, xứ sở của olive, rượu vang, của Don Quijote, Carmen và đấu bò… lại không phải thủ đô Madrid hay thành Barca danh tiếng, mà là Bilbao, nơi viết nên “câu chuyện thần thánh” của một đô thị hiện đại được tái sinh theo cách khó tin…
Bảo tàng thay đổi số phận một thành phố ở Tây Ban Nha
Vị trí chiến lược kề bên vịnh Biscay nối đường bờ biển phía tây nước Pháp với miền bắc Tây Ban Nha mở ra Đại Tây Dương từ phía đông bắc đã biến Bilbao thành trung tâm thương mại của xứ Basque từ thế kỷ XIV. Trong suốt hai thế kỷ XVIII và XIX, với cảng biển và ngành công nghiệp nặng phát triển, Bilbao là đô thị công nghiệp lớn thứ hai của Tây Ban Nha, chỉ sau Barcelona. Được mệnh danh thành phố của than và sắt thép, Bilbao cũng là “điểm đến” của công nhân và công nhân…
Nhưng thời kỳ vàng đen này không kéo dài vô tận. Nửa sau thế kỷ XX, các nhà máy đóng tàu, luyện gang thép ở Bilbao nhanh chóng trở nên lạc hậu trước sự phát triển của công nghệ. Tới thập niên 1980 tình trạng tồi tệ gần như xuống đáy: hàng loạt nhà máy đóng cửa, nhiều gia đình công nhân mất việc phải rời bỏ thành phố, một số ít cố bám trụ lại với tương lai mịt mờ, u ám như các bức tường đen đúa của các nhà máy bỏ hoang…
Làm gì đây để “cứu” Bilbao? Nhiều ý tưởng được đưa ra, trong đó điên rồ nhất là thay vì cải tạo, nâng cấp nhà máy với hy vọng sơn phết cho định danh “thành phố công nghiệp”, thì đầu tư cho một dự án nghệ thuật với ước mơ táo bạo viết một cái tên mới cho Bilbao – Thành phố văn hóa.
Văn hóa đòi cứu thành phố, ông có đùa chúng tôi không đấy Inaki Azkuna? Inaki khi ấy là thị trưởng Bilbao, thực tế đã phải đối diện với sự phản ứng quyết liệt hơn thế nhiều từ phía một bộ phận không nhỏ người dân thành phố, khi quyết định bắt tay với Guggenheim Foundation, một quỹ nghệ thuật lớn của Mỹ lúc bấy giờ đang muốn tìm một địa chỉ ở châu Âu để đặt bảo tàng nghệ thuật.
Theo cam kết, Bilbao sẽ bỏ ra quỹ đất và đầu tư xây dựng bảo tàng, quỹ Guggenheim là nhà quản lý, tổ chức triển lãm với lời hứa sẽ mang tới khoảng nửa triệu du khách mỗi năm cho thành phố.
Mọi sự khởi đầu không tồi. Sau 4 năm xây dựng, tháng 10.1997 Bảo tàng Guggenheim Bilbao như một vật thể lạ mọc lên bên bờ sông Nervion, được đích thân nhà vua Tây Ban Nha Joan Carlos cắt băng khánh thành. Và từ đây số phận một thành phố hoàn toàn thay đổi. Những người hâm mộ nghệ thuật và kiến trúc từ khắp nơi trên thế giới đổ về Bilbao. Ước tính nửa triệu du khách mỗi năm nhanh chóng tăng lên thành 1 triệu và hơn thế nữa biến Bilbao trở thành một trong những điểm đến nổi tiếng hàng đầu Tây Ban Nha.
Phải thú nhận ma lực đầu tiên chính là kiến trúc của bảo tàng, được xem là tác phẩm điêu khắc ngoài trời vĩ đại của kiến trúc sư tài danh người Mỹ gốc Canada Frank Gehry. Chúng tôi đã “mất” một ngày chỉ dành cho việc thưởng thức công trình kiến trúc này từ mọi góc cạnh của nó. Nổi tiếng với phong cách thiết kế phá cân đối, đặc biệt với chất liệu kim loại, có thể nói Frank Gehry là “người được Bilbao chọn” khi thực hiện “tác phẩm” quan trọng trong sự nghiệp của ông. Thép vốn là “ngôn ngữ” của thành phố công nghiệp này, giờ đây cất lên một tiếng nói khác, quốc tế, táo bạo và cũng vô cùng lãng mạn (xem ảnh trong bài).
Guggenheim Bilbao Museum được ghi danh là một trong những công trình kiến trúc hấp dẫn nhất thế giới. Và quỹ Guggenheim cũng mang tới đây những sự hấp dẫn của thế giới nghệ thuật. Trong hơn 20 năm mở cửa, bảo tàng đã tổ chức hơn 170 triển lãm với nhiều cái tên “siêu sao” trong thế giới nghệ thuật hiện đại và đương đại như Yves Klein (dẫn đầu phong trào Tân hiện thực), Robert Rauschenberg (nhân vật tiên phong của pop-art), Andy Warhol (vua pop-art), Gerhard Richter (nghệ sĩ thị giác hàng đầu người Đức) hay Jeff Koons (nghệ sĩ đương đại có tác phẩm đắt giá nhất hành tinh-91 triệu USD)…
Và quan trọng hơn hết, sau Guggenheim Museum, ở Bilbao người ta bắt đầu hào hứng thuê các kiến trúc sư hàng đầu thế giới tới đây làm trẻ hóa thành phố. Norman Foster, kiến trúc sư người Anh nổi tiếng với phong cách hi-tech đã xây dựng toàn bộ tuyến tàu điện ngầm ở đây được mệnh danh là “thế giới ngầm” của kính và thép, một trong những công trình metro được ghi danh trên thế giới.
Alvaro Siza, kiến trúc sư người Áo với phong cách Hậu hiện đại đã thiết kế một tòa nhà đại học và một nhà ga sân bay, trong khi cây cầu dành cho người đi bộ “Zubizuri” nằm gần bảo tàng được tạo bởi tài năng Tây Ban Nha Salvadore Calatrava, người tạo nên một sự kỳ diệu khác cho đô thị ở thành phố cổ nổi tiếng Valencia…
Và không thể kể hết nổi – ở đây cứ mỗi góc đi lại khiến ta phải “ồ”, “à” kinh ngạc. Tất cả tạo nên một Bilbao vừa kỳ lạ vừa hấp dẫn lạ lùng, cái cũ không mất đi (ngay cả nhà máy cũ bỏ hoang cũng được biến thành tác phẩm), cái mới hòa nhập tạo nên một hơi thở mới, trẻ trung, tràn đầy năng lượng sáng tạo, một thành phố quốc tế mà vẫn đậm đà bản sắc riêng.
Vậy là từ một thành phố công nghiệp và ô nhiễm, chỉ trong vòng hai thập niên, Bilbao đã ưỡn ngực trở thành thành phố văn hóa hàng đầu không chỉ của Tây Ban Nha, mà còn của châu Âu và thế giới.
Cuộc “tái sinh” này được xem là hình mẫu của một đô thị đương đại được “nuôi cấy” ngay trong thành phố cũ. Năm 2010, Bilbao đã nhận được giải thưởng Thành phố thế giới do Singapore và Ủy ban Nobel trao tặng – được xem như “giải Nobel về đô thị”.
Năm 2013, ông thị trưởng Inaki Azkuna vinh dự nhận được giải thưởng Thị trưởng thế giới cho quyết định “điên rồ” của mình. Và đúng 20 năm mở cửa bảo tàng Guggenheim, 2017, Bilbao được lựa chọn là Thành phố tốt nhất châu Âu.
Chúng tôi đã vượt một quãng đường dài để tới được đây, và lại tiếp tục “trèo lên tụt xuống” (như hầu hết các đô thị ở Tây Ban Nha đều xây dựng trên đồi nên đường khá dốc và cách khám phá thành phố tốt nhất là đi bộ) trong giá rét, mà kỳ lạ càng đi càng hăng như được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ thành phố này, từ những con người sáng tạo, quyết liệt với tầm nhìn, tầm văn hóa đã làm nên công trình này.
Guggenheim Museum đã cùng Bilbao viết nên kỳ tích: một bảo tàng làm thay đổi cả một thành phố.
Theo Thủy Phạm/nguoidothi.net.vn