Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế được thành lập năm 1923, với tên gọi ban đầu là Musée Khải Định, nay trực thuộc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế có trụ sở đặt tại điện Long An, là bảo tàng sớm nhất ở Huế.
Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế – Nơi lưu giữ những bảo vật quý giá
Bảo tàng từng là thư viện của trường Quốc Tử Giám và cũng là trụ sở của Hội Đô Thành Hiếu Cổ, nơi hội họp của các học giả nghiên cứu về Huế và cả Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Bảo tàng có tổng diện tích rộng đến 6.330 mét vuông, bao gồm tòa nhà trưng bày chính với diện tích 1.185 mét vuông và nhiều công trình phụ: kho tàng chứa cổ vật, sân vườn…
Trước đây bảo tàng đã nhiều lần được đổi tên: Tàng Cổ Viện Huế (1947), Viện Bảo tàng Huế (1958), Nhà trưng bày Cổ vật (1979), Bảo tàng Cổ vật Huế (1992), Bảo tàng mỹ thuật Cung đình Huế (1995) và cuối cùng là bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đến nay.
Nổi bật nhất của bảo tàng là nhà trưng bày chính, vốn là điện Long An xưa kia, có niên đại từ năm 1845 được xây dưới thời vua Thiệu Trị. Toàn bộ hệ kết cấu nhà trưng bày được làm bằng gỗ với 128 cột gỗ lim.
Trên các cột có hình chạm khắc tứ linh, long, ly, quy, phụng và khoảng hơn 1000 bài thơ chữ Hán. Các bộ vì kèo được chạm trổ cực kỳ tinh xảo với hình lưỡng long tranh châu hay hình rồng nang. Đây được coi là một trong những bộ vì kèo đẹp nhất trong kinh thành Huế.
Công trình là một tòa nhà kép với lối kiến trúc trùng thiền điệp ốc, vỉa ốp đá thanh. Hệ thống bậc cấp dẫn lên thềm cũng làm bằng đá thanh với thành bậc trang trí hình rồng rất tinh xảo.
Đặc biệt, bảo tàng cổ vật Cung đình Huế đang lưu giữ bộ sưu tập súng thần công được sản xuất tại Hà Lan từ thế kỷ 17 với mục đích thương mại hoặc tặng của công ty Đông Ấn với chính quyền chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Sự hiện diện của bộ súng này góp phần phong phú thêm bộ sưu tập súng thần công của cố đô Huế.
Điều đặc biệt, toàn bộ công trình đều để mộc, không sơn thếp từ nguyên bản. Chính vì vậy giá trị nghệ thuật điêu khắc gỗ, nghệ thuật chạm khảm càng rõ nét và được tôn vinh, nâng cao giá trị cho cấu trúc công trình.
Về tổng thể, công trình thật sự là tác phẩm kiến trúc nghệ thuật mà nổi bật nhất là sự hòa quyện giữa kiến trúc và nghệ thuật trang trí bằng điêu khắc gỗ. Bản thân điện Long An được coi là hiện vật, cổ vật trưng bày lớn nhất của bảo tàng, có giá trị rất cao về lịch sử và nghệ thuật.
Nội thất công trình hội tụ nhiều đồ án trang trí theo lối thi họa với kỹ thuật, chất liệu như chạm nổi, khảm trai, khảm xương, ngà, xà cừ được bài trí trên các ô hộc dưới mái, trên các vách ngăn ở cửa.
Mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, thay đổi vị trí và tên gọi trong khoảng thời gian dài, bảo tàng cổ vật Cung đình Huế (điện Long An) may mắn vẫn tồn tại. Công trình được đánh giá là ngôi điện có kiến trúc đẹp nhất trong quần thể di tích cố đô Huế.
Khách tham quan khi đến với bảo tàng còn được chiêm ngưỡng nhiều cổ vật quý hiếm như ngai vàng, kiệu vua, long sàng, ngự y, áo hoàng thái hậu, hài hoàng hậu, sập gụ, tủ chè, tranh thơ, ngự chế, đồ sành, đồ sứ, đồ bạc, đồ đồng, đồ khắc lam… có tuổi đời hàng trăm năm.
Ngoài ra còn có những sản phẩm thủ công mỹ nghệ do các bàn tay vàng làm ra theo lệnh của triều đình hoặc cung tiến vua. Chúng không phải là những mặt hàng sản xuất hàng loạt, mà mỗi thứ chỉ có một bộ hoặc một chiếc duy nhất, quý hiếm và độc đáo là vì vậy.
Bảo tàng còn đang trưng bày hai hiện vật triều Nguyễn, đó là mũ quan văn chánh nhất phẩm và áo cung tần Nhật bình có niên đại từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, gắn liền với đời sống cung đình triều Nguyễn, rất có giá trị về văn hóa, lịch sử.
Những hiện vật đang trưng bày tại bảo tàng cho khách tham quan cái nhìn tổng thể về cuộc sống cung đình Huế trong quá khứ, trở về thời kỳ thăng trầm biến thiên của lịch sử, văn hóa Huế cũng như sự giao lưu tiếp biến văn hóa trong giai đoạn đầy biến động.
Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế trở thành địa điểm tham quan, thưởng lãm hấp dẫn khi du lịch Huế. Vì vậy, hãy đặt tour Huế ở iVIVU để khám phá bảo tàng trong thời gian sớm nhất với nhiều ưu đãi tuyệt vời dành cho khách hàng!