Bánh ướt mềm lại dễ dính khiến nhiều khách cuốn kèm rau, thịt nướng phải loay hoay khi thưởng thức lần đầu.
Bánh ướt thịt nướng Hội An: muốn ăn phải biết cuốn
Khác với cao lầu, mì Quảng hay nhiều món ăn khác, bánh ướt thịt nướng ở phố cổ Hội An hầu như chỉ bán ở các quán dọc vỉa hè. Các quán này thường bán từ trưa nhưng đông đúc vào xế chiều. Gánh hàng rong nhỏ với các vật dụng chế biến xếp gọn gàng cạnh những chiếc ghế nhựa thấp để khách ngồi ăn. Ven sông Hoài, có khoảng 5 gánh bánh ướt thịt nướng lúc nào cũng đông khách.
Theo một chủ quán, thịt nướng là loại thịt vai, vừa nạc vừa mỡ để khi nướng, lớp mỡ chảy ra giúp thịt mềm mà không bị khô. Ngoài các loại cơ bản, gia vị để ướp thịt còn có ngũ vị hương, tiêu, sả, hành tím, mật ong. Nhiều hàng cầu kỳ còn cho thêm rượu trắng vào để tăng mùi vị.
Thịt sau khi ướp và để cho ngấm thì kẹp vào một chiếc đũa rồi đem nướng bằng bếp than hồng. Đũa này sau khi nướng sẽ được tận dụng cho đến khi không còn dùng được nữa.
Bánh ướt mỏng được xếp trên đĩa. Chủ quán tách sẵn từng miếng và làm dấu bằng một miếng lá chuối ở đầu bánh.
Rau ăn kèm được lấy từ làng Trà Quế – nơi nổi tiếng với các loại rau sạch và tươi ngon. Hầu hết quán ăn ở phố Hội đều lấy rau từ nơi này. Khách có thể gọi thêm rau hoặc dưa leo (dưa chuột) tuỳ thích.
Độ ngon của món ăn hơn thua ở chén nước chấm. Người Hội An thường dùng tương đậu pha với đậu phộng thành thứ nước có độ sệt và cay. Nhiều quán còn cho thêm mè rang vào để tăng hương vị.
Khách lần đầu thưởng thức món ăn sẽ khá ngỡ ngàng vì cách ăn như gỏi cuốn mà tên gọi là bánh ướt. Nếu không biết cách cuốn, bạn đừng ngại hỏi thăm chủ hàng. Chiếc bánh ngon phải có đầy đủ các nguyên liệu. Chậm rãi chấm vào nước sốt rồi cho vào miệng, bạn sẽ cảm nhận được vị bùi bùi, mặn cay từ nước chấm trước rồi đến miếng thịt được ướp đậm đà hoà quyện với bánh ướt và rau.
Mỗi xiên thịt có giá 5.000 đồng. Một phần ăn cho 2 người khoảng 70.000 đồng.