Vào những ngày Tết, trong mâm cỗ khắp vùng Bắc Bộ không thể thiếu món bánh tẻ. Tuy là loại bánh phổ biến, nhưng bánh tẻ làng Chờ luôn được yêu thích bởi hương vị riêng biệt, thơm ngon.
Bánh tẻ làng Chờ Bắc Ninh – Thơm thảo hương vị ngày xuân
Những chiếc bánh tẻ làng Chờ được gói trong lá dong, chỉ to chừng hai ngón tay nhưng vỏ mỏng, nhân bánh thơm phức. Vị ngậy của thịt, giòn dai của mộc nhĩ, thơm của tiêu và vị bùi, dẻo của lớp vỏ bánh hòa quyện tạo nên hương vị khác biệt.
Người dân làng Chờ không biết món bánh này xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết khắp Bắc Ninh, từ hàng quán vỉa hè đến nhà hàng sang trọng đều có mặt bánh tẻ làng Chờ. Đặc biệt vào các dịp lễ Tết, hiếu hỉ thì bánh tẻ không thể thiếu trên mâm cỗ của mỗi gia đình.
Nét đặc trưng của bánh là dẻo chứ không nhão, nát như bánh giò. Bánh vừa có độ giòn lại vừa có vị đậm, vị béo của nhân, nồng nàn của mùi lá, không thể lẫn vào thứ bánh tẻ nào khác được.
Để làm ra chiếc bánh tẻ mang hương vị đặc trưng phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Gạo làm bánh tẻ phải là loại gạo ngon, được chọn từ giống lúa dài ngày như 203 có độ dẻo dính, được xay xát kỹ, rồi đem ngâm nước khoảng 5 tiếng đồng hồ mới cho vào xay.
Gạo được cho vào cối xay với tỷ lệ nước nhất định, sao cho bột bánh càng nhỏ càng tốt. Đặc biệt, bột càng nhỏ, bánh làm ra càng mịn, tiếp theo bột bánh sẽ được ngâm trong thời gian 1 đến 3 ngày tùy theo nhiệt độ thời tiết.
Đến khi bột đạt tiêu chuẩn thì thêm vài thìa cà phê muối và nước khuấy đều, gạn nước lấy phần bột mịn trước khi cho vào khuấy. Lúc đầu khuấy bột dễ vì bột lỏng, đến khi bột bắt đầu cô đặc dần thì người khuấy bột phải dùng hết sức cho bột khô đều. Vất vả là vậy, nhưng người làm bột không được lơ là, bởi chỉ cần bột không chín đều, hoặc cháy là cả mẻ bột sẽ phải đổ bỏ.
Nguyên liệu để làm nhân bánh tẻ rất đơn giản, gồm thịt lợn, mộc nhĩ, hành khô, bì luộc thái hạt lựu. Mộc nhĩ ngâm cho nở rồi băm nhỏ, hành củ xắt mỏng, thêm gia vị đi kèm rồi xào chín.
Bánh được gói bằng lá dong. Lá được rửa nhiều lần với nước, để ráo rồi lau khô. Sau khi cho nhân vào trong vỏ bánh, người ta lót thêm 1 chiếc lá dong và gói lại để lá không bị rách trong khi luộc. Chiếc bánh hoàn chỉnh có hai đầu thuôn dài, phần giữa gồ lên giống cái răng bừa.
Khâu luộc bánh cũng đóng vai trò quan trọng, nếu để lửa to, bánh sẽ bị nhừ, nhão; nếu không đủ lửa, bánh chín không đều. Bánh đạt chuẩn phải là bánh có màu trong pha chút xanh của lá, bóng đẹp, vị giòn ngon, nhân dậy mùi thơm.
Bánh tẻ làng Chờ ngon nhất khi ăn nóng. Miếng bánh màu ngà vừa mềm dẻo vừa dai giòn lại đậm vị béo của nhân. Để có được hương vị ấy, người làng Chờ đã gửi trọn tấm lòng, hồn cốt của ẩm thực làng quê vào trong đó. Vì thế tuy chỉ là thức quà quê dân dã nhưng đã ăn rồi rất khó quên.
Theo iVIVU.com