Trong ký ức của tôi, cứ vào nửa tháng chạp hằng năm là các làng quê, từ đầu trên đến xóm dưới đều rộn rã chuẩn bị đắp lò, phơi củi, rửa cối, mua sắm chiếu mới để chuẩn bị quết bánh phồng.
Giờ đây cuộc sống đã đổi thay, trẻ con không còn nghe được tiếng chày thình thịch vang lên trong thôn xóm lúc xuân về. Nhưng đó vẫn là một thứ âm thanh huyền diệu đã đi vào hồn, vào tâm thức của tôi ngay từ lúc còn thơ ấu.
Nhớ tết xưa
Hồi tôi còn cắp sách đến trường, mỗi lần tết đến ba mẹ tôi đều quết bánh phồng. Khi gà vừa gáy canh năm mẹ tôi đã thức dậy nấu xôi để quết bánh. Dưới ánh đèn khí đá sáng choang, ba tôi cầm chày, mẹ tôi vô nước bánh. Cả người quết và người vô nước đều hối hả nhưng phải ăn ý với nhau. Tiếng chày có lúc mạnh lúc nhẹ, lại có lúc nhặt lúc thưa tùy theo bàn tay người vô nước.
Lúc xóm ấp vang lên những tiếng chày thình thịch cũng là lúc các cô gái đốt đuốc lá dừa hăm hở rủ nhau qua nhà hàng xóm cán bánh.
Công đoạn cán bánh mới thật sự náo nhiệt, người nào việc nấy, nhịp nhàng, lanh lợi. Một cô gái thọc đôi tay vào cái vịm nhanh nhẹn đảo bánh, ngắt bột, vo tròn từng viên rồi đặt lên tấm lá chuối đã thoa sáp hoặc lòng đỏ hột gà. Các bà, các chị ngồi xếp bằng dùng cái ống tre, một tay xoay tấm lá chuối, một tay thoăn thoắt cán nhẹ lên cục bột sao cho thật đều và tròn như miệng đĩa, xong giao cho các thanh niên mang ra sân dán úp chiếc bánh xuống chiếu phơi thành hàng dài.
Khi bánh vừa khô, lại gỡ ra đem nhúng vào nồi nước đường đang nóng rồi tiếp tục phơi thêm lần nữa.
Mỗi mùa quết bánh phồng là mỗi lần bạn bè trai gái trong làng có dịp gần gũi nhau làm quen, tỏ tình và nhờ mai mối để năm sau lại trở thành đôi lứa. Cũng có những cô gái được các bà chọn làm con dâu nhờ có đôi tay khéo léo và ăn nói mặn mà có duyên.
Tìm lại chút hương xưa
Từ nhiều năm nay, năm nào gần đến tết, Bảo tàng thành phố Cần Thơ cũng tổ chức ngày hội “Sắc xuân miệt vườn”, mời các nghệ nhân đến trình diễn các loại bánh dân gian, trong đó có nhiều loại bánh tết truyền thống như bánh phồng, bánh tráng, bánh tét…
Nhìn các bà, các chị ngồi cán bánh phồng, tôi cảm nhận họ là những người cuối cùng còn nặng lòng với chiếc bánh cổ truyền này. Một loại bánh làm rất công phu và tỉ mỉ, đòi hỏi người chế biến phải mất nhiều thời gian và công sức nên nhiều bà con ở nông thôn đã đoạn tuyệt với cối chày từ hơn ba mươi năm qua, họa hoằn chỉ một vài người còn nặng nợ với quá khứ, muốn “đốt lò hương cũ” mới chịu khó quết một vài ổ để cúng ông bà và tặng người thân.
Hiện nay, tuy một vài nơi vẫn còn sản xuất bánh phồng như ở Chợ Mới, Tiền Giang… nhưng đó không phải là thứ bánh cổ truyền mà là bánh được chế biến theo một quy trình đơn giản hơn, đặc biệt là không quết bằng tay mà lại quết bằng máy. Chất lượng của bánh phồng hiện nay không thể sánh với loại bánh phồng truyền thống.
Trước kia, muốn có được một chiếc bánh vừa thơm ngon vừa giòn, xốp, người làm phải chọn cho được loại nếp rặt và dẻo để nấu xôi và quết bằng tay với những thao tác nhịp nhàng mới cho ra một ổ bánh chất lượng cao.
Năm tháng trôi qua, cái cũ mất đi, cái mới lại ra đời, hình ảnh chiếc bánh phồng cũng dần dần phôi pha theo năm tháng. Đáng mừng là trong những năm gần đây, tết nào Trung tâm Xúc tiến đầu tư – thương mại – du lịch TP Cần Thơ cũng tổ chức “Ngày hội bánh dân gian Nam bộ” nhằm bảo tồn và phát huy các loại bánh truyền thống, trong đó có bánh phồng.
Nhờ vậy mà thế hệ trẻ hôm nay mới cảm nhận được tiếng chày quết bánh phồng thình thịch vang lên trong thôn xóm, đồng thời các em cũng có dịp chứng kiến các bà, các chị ngồi cán bánh phồng hoặc nướng bánh phồng bên ngọn lửa hồng tí tách. Đó chính là những hình ảnh thân yêu, gợi nhớ, gợi thương đối với quê hương trong ngày tết cổ truyền.