Những chiếc bánh mì mỏ vàng ruộm, vỏ mỏng, đặc ruột, ngọt ngào và thơm phức từ lâu đã trở thành thương hiệu, thành đặc sản của người thợ mỏ cũng như toàn bộ người dân Quảng Ninh.
Bánh mì mỏ Quảng Ninh – Món ăn giữa buổi giản dị của công nhân thợ mỏ
Mỏ Mạo Khê là nơi đầu tiên làm ra bánh mì mỏ. Đến những năm 90 của thế kỷ trước, các mỏ khác bắt đầu học tập và đưa bánh mì thành món ăn giữa ca, tiện lợi, giúp công nhân bù đắp sức lao động để tiếp tục công việc nơi mỏ sâu.
Có lẽ chỉ có ở những mỏ than Quảng Ninh mới có loại bánh mì không phải để bán. Mỗi người thợ khi xuống lò sẽ nhận 1 suất ăn giữa ca gồm 1 chiếc bánh mỳ và 2 hộp sữa. Ở độ sâu 300m dưới lòng đất, những chiếc bánh mì có thể làm ấm lòng người thợ.
Với những người đã từng chứng kiến sự phát triển của ngành khai thác than Quảng Ninh, qua chiếc bánh mì mỏ, họ chiêm nghiệm về sự phát triển của ngành than, về đời sống ngày càng được nâng cao của anh em thợ mỏ.
Giờ đây bánh mì mỏ không còn là món ăn đắt đỏ và hiếm lạ nhưng nó vẫn chứa đựng vị thơm ngon đặc trưng, gói ghém cả tấm lòng của những người làm bánh gửi gắm đến công nhân mỏ, là sự chăm chút tận tâm để người thợ luôn có được bữa ăn đảm bảo chất lượng.
Chiếc bánh mì mỏ thơm ngon chất lượng thường theo người thợ trở về với gia đình, làm món quà ăn vặt cho vợ, cho con, như sự sẻ chia ngọt ngào giữa những người thân yêu cũng như chia sẻ nỗi vất vả khi phải lao động dưới lòng đất.
Để chiếc bánh mì mỏ thơm ngon ra đời, phải trải qua 6 công đoạn chính: nhào bột, ủ bột, vê bánh, ủ lên men, rạch bánh và nướng bánh. Trước đây người ta nướng bánh mì bằng bếp than nhưng nay được thay bằng bếp điện. Các công đoạn làm bánh cũng có nhiều máy móc hỗ trợ, vì thế chỉ cần một người là có thể sản xuất ra cả ngàn chiếc bánh.
Quy trình làm bánh mì không có bí quyết gì riêng, cái quan trọng nhất phải đặt cái tâm vào những chiếc bánh. Bánh phải đúng định lượng, không được bớt xén, nguyên liệu làm bánh phải tươi ngon, đúng theo quy định và phần vỏ cần làm mỏng để bánh không bị ỉu khi để lâu.
Không chỉ với người thợ mỏ, bánh mì mỏ đã trở thành kỷ niệm thương nhớ với bất cứ người con Quảng Ninh nào, đồng thời là “sứ giả văn hóa” mang câu chuyện thú vị về món đặc sản bình dị làm quà cho du khách khi đến với vùng mỏ Quảng Ninh.