Du khách nào đến Hội An cũng biết đến và mong muốn thưởng thức một môn nghệ thuật dân gian đặc trưng của phố cổ. Đó là bài chòi Hội An, một giá trị văn hóa lâu đời còn được gìn giữ đến nay!
Bài chòi Hội An – Loại hình nghệ thuật dân gian lâu đời ở phố cổ
Nghệ thuật bài chòi tưởng như đã bị thất truyền, đi vào kỷ niệm của người dân thì lại bất ngờ xuất hiện trong chương trình Đêm rằm phố cổ Hội An năm 1998. Do đó đến năm 1999, bài chòi đã được người địa phương phục hồi, giữ gìn và tổ chức diễn xướng hàng đêm.
Việc tổ chức diễn bài chòi vừa có thể giữ gìn nét văn hóa nghệ thuật truyền thống, vừa thu hút khách du lịch. Giờ đây, bài chòi Hội An đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của du khách và cả người dân địa phương mỗi khi nhắc đến phố cổ.
Cứ vào lúc mặt trời lặn, nhường chỗ cho màn đêm cũng là lúc rộn ràng dựng chòi, kê ván để chuẩn bị cho buổi diễn bài chòi như thường lệ. Không chỉ được thưởng thức những màn hát đối đáp mà du khách cũng có thể tham gia vào trò chơi. Cách chơi trò chơi bài chòi khá quen thuộc, giống với cách chơi lô tô, chỉ khác ở chỗ ra hiệu bài hát.
Người “hiệu”, là người sẽ hô hát, bắt đầu với những làn điệu dân ca Quảng Nam. Lượt chơi sẽ kéo dài từ 10-15 phút. Mỗi thẻ bài gồm có 3 lá, mỗi lá có một chữ. Thẻ bài mà người ta sử dụng chính là bộ bài tam cúc 27 cặp với các tên gọi: nhất trò, nhì nghèo, ba gà, tam quăng, tứ cảng.
Một nửa lá bài sẽ bỏ vào ống cho người cầm trịch, một nửa sẽ chia ra thành 9 chòi, mỗi chòi gồm 3 lá. Với mỗi lá bài được người cầm trịch rút ra, người trong chòi nào trúng lá ấy thì hô lên, nếu trúng 3 lá là người chiến thắng.
Không chỉ được những trận cười thoải mái khi tham gia chơi bài chòi Hội An, du khách còn được thưởng thức những bài hò có nội dung ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước, sự gắn kết trong cộng đồng và cả những bài học đạo đức truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam.
Những câu hát lúc trầm lúc bổng rót vào tai khán thính giả mượt mà như lụa. Các bài hò được diễn xướng mỗi đêm không lặp đi lặp lại mà được những thay đổi và sáng tạo liên tục từ các điệu hò, dân ca như hò khoan, hò chèo thuyền, vè Quảng, hát ru con… Vì thế bài chòi luôn tươi mới, luôn cải tiến trong quá trình diễn phục vụ khách.
Vào những dịp đặc biệt như Tết Nguyên đán thì nội dung bài chòi là những câu hát vui tươi, rộn ràng, nô nức nhằm tạo không khí đầu xuân năm mới. Điều thú vị nhất khi tham gia bài chòi Hội An không phải là sự thắng thua mà chính là những nụ cười sảng khoái, những thanh âm vui vẻ đọng lại sau mỗi đêm.
Tháng 12-2017, bài chòi Hội An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tín hiệu tốt để đưa Việt Nam nói chung và Hội An nói riêng đến gần hơn với du khách quốc tế.
Bài chòi giờ đây đã không còn bó hẹp trong những không gian của đình làng mà đã được diễn xướng trên những sân khấu lớn, giao lưu với nhiều loại hình nghệ thuật khác. Cùng với các giá trị văn hóa vật thể khác của Hội An, bài chòi và những giá trị phi vật thể khác đã góp phần quan trọng tạo nên một Hội An độc nhất vô nhị trên thế giới.