Những món ăn nổi tiếng mà du khách không nên bỏ qua nếu có dịp đến Pleiku gồm có Bún mắm nêm, bún mắm cua, phở khô. Bún mắm Gia Lai có vị cay nhẹ của ớt, cái béo của chả, vị chua của nem, hương thơm của các loại rau hòa cùng hương vị đậm đà của mắm, khiến bạn ăn một cách ngon lành, ăn đến đâu cảm giác thích thú lan tỏa đến đó. Ngoài bún mắm nêm, bún cua và phở khô cũng là những món ăn rất ngon miệng.
Bún mắm nêm
Đây là món ăn dân dã của người dân phố núi Pleiku. Thành phần món ăn đơn giản với bún và mắm cùng một ít rau sống. Đơn giản là thế, nhưng với những người đã một lần thưởng thức món ăn này sẽ không thể quên được cái hương vị thơm ngon, đậm đà mà nó mang lại.
Mắm nêm là thành phần chính, quyết định sự ngon miệng của món ăn. Mắm nêm được làm từ cá cơm rửa sạch, ướp với muối theo một tỷ lệ nhất định, cho vào hũ đậy kín lại. Tùy theo thời tiết và nhiệt độ mà mắm có thể chín sau khoảng từ 7 đến 9 ngày. Khi đó mắm hơi sền sệt và có mùi thơm ngào ngạt mà lại hơi khẳm rất đặc trưng. Khi ăn với bún, mắm được thêm vào nhiều gia vị như chanh, tỏi, ớt, đường và dứa bằm nhỏ để làm dịu vị mặn và dậy mùi thơm rất ngon.
Một bát mắm đầy đủ với rau sống xếp dưới cùng, bên trên là bún tươi, rồi đến thịt luộc, chả, nem, ít dưa leo cùng chén mắm nêm và mang ra cho thực khách. Chan mắm nêm vào tô bún và trộn đều, trộn đến đâu, mùi mắm nêm thơm nức bốc lên, kích thích vị giác của bạn, tạo cảm giác muốn ăn ngay.
Phở khô Gia Lai
Phở khô còn có tên gọi khác là phở hai tô. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì khi thưởng thức món ăn này, thực khách sẽ được phục vụ hai tô, một tô bánh phở và một tô nước súp.
Khác với bánh phở Sài Gòn, phở khô có sợi nhỏ như sợi hủ tiếu gõ, nhưng săn và hơi dai hơn. Bánh phở được chần qua nước sôi, vừa ăn, dai, không nát, không vón cục để thực khách dễ dàng pha chế với tương nâu, xì dầu, tương ớt cho vừa khẩu vị của từng người.
Nước dùng của phở khô trong veo và có vị thanh ngọt rất ngon miệng, không quá đậm đà và cũng không quá nhạt, nên khi ăn kèm với bánh phở bạn sẽ thấy rất vừa miệng. Nguyên liệu ăn phở khô rất phong phú, bạn có thể ăn với thịt gà, thịt bò tái hoặc bò viên.
Bánh phở được chần chín và để riêng trong một tô, một ít giá chần, hành phi và thịt lợn nạc băm nhuyễn được phủ đều lên. Nước dùng được để riêng trong một tô còn lại. Ăn phở khô không thể thiếu tương đen, đây chính là chất xúc tác tăng hương vị cho món ăn. Tương vừa có vị mặn nhưng vẫn có vị hơi ngòn ngọt của đậu được lên men. Khi ăn, cho tương đen, nước tương, ớt sa tế, một lát chanh, ớt trái để thêm vị cay và trộn đều.
Bún mắm cua
Đây là món ăn rất đặc biệt, ai chưa biết ăn chỉ cần ngửi mùi là không thích ngay. Nhưng khi đã biết ăn rồi thì nó trở thành món ăn không thể nào quên được. Để có một bát bún mắm cua ngon, người làm cũng hết sức kỳ công mới chế biến ra được món ăn này.
Nguyên liệu để tạo ra món bún mắm cua rất đa dạng: cua đồng, bún, thịt ba chỉ, măng, chả hoặc nem, da lợn chiên giòn, bánh phồng tôm, các loại gia vị ớt, mắm nêm, rau ăn kèm như: giá, bắp chuối, xà lách, ngổ, kinh giới, rau thơm… Cua đồng là một thành phần quan trọng, chủ đạo của món ăn này nên người bán thường lựa chọn cua rất kỹ. Theo kinh nghiệm của người dân, vào mùa mưa, cua đồng sẽ nhiều, thịt cua ngọt và chắc hơn mùa khô.
Bún mắm cua khá kén người ăn bởi mùi vị đặc trưng của nó. Không phải ai cũng có thể chịu được mùi nồng nồng của mắm nguyên chất và nước cua lên men. Bún cua có vị mặn của mắm, vị thơm các loại rau, vị nồng đặc trưng của bún mắm, vị cay của ớt, âm thanh giòn rụm của da lợn… tất cả hòa quyện nhau tạo nên món ăn rất hấp dẫn và ngon miệng.