Từ cố đô xinh đẹp Krakow của Ba Lan, men theo xa lộ 44 về phía tây khoảng một giờ đi xe là đến Auschwitz – thị trấn nhỏ và thanh bình với dân số gần 40.000 người nằm ngay nơi hội lưu của sông Wisla và sông Sola hiền hòa. Nơi này được cả thế giới biết đến với tên gọi Trại tập trung Auschwitz trong suốt giai đoạn Chiến tranh thế giới thứ hai, sau khi phát xít Đức xâm chiếm Ba Lan.
Auschwitz: Điểm tham quan nên đến một lần khi du lịch Ba Lan
Một chiều mưa cuối đông 2016, trên hành trình đi Praha (Cộng hòa Séc), chúng tôi đã có dịp ghé thăm nơi này. Không thể không ghé sau bao lần đọc sách, xem phim mô tả một địa chỉ kinh khủng nhất trong lịch sử nhân loại. Cách nay 72 năm, thế giới ngỡ ngàng biết đến Auschwitz – một phức hợp ba trại, gồm trại tập trung, trại lao động khổ sai và trại hủy diệt.
Trong không khí lành lạnh và trầm mặc, bên cạnh những tàn tích, hiện vật trưng bày trong khu bảo tàng, du khách viếng thăm dường như được xem lại những thước phim tài liệu quay chậm về những tội ác không bút mực nào tả xiết tại lò sát sinh độc ác bậc nhất lịch sử nhân loại do phát xít Đức vận hành trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Đã có khoảng 1,1 triệu người bỏ mạng tại đây mà đa phần là người Do Thái, còn lại là tù binh chiến tranh, dân Digan, trẻ nhỏ… Họ đã bị ngược đãi và bị giết bằng các nhục hình tàn bạo nhất, từ đánh đập, bỏ đói, lao động khổ sai tại các nhà máy, thí nghiệm y khoa cho đến đỉnh điểm là các phòng hơi ngạt, lò thiêu xác, hố chôn tập thể…
Chưa điểm tham quan nào có cảnh tượng lạ lùng đến vậy, từng dòng du khách dạo vòng qua các khu nhà tù cũ kỹ, với tường rào kẽm gai hai lớp dày đặc có xung điện bao quanh trong im lặng, chỉ có những tiếng thở dài, những ánh mắt rươm rướm lệ khi ngang qua từng gian phòng, từng bức ảnh trắng đen mờ nhạt… Tại dãy phòng hơi ngạt và lò thiêu xác, cảm xúc đau thương của mọi người dường như vỡ òa khi bước vào đây. Một gian phòng với những ô cửa thông gió chỉ hơn gang tay, còn đâu đó hình ảnh rất nhiều tù binh bị lừa dối rằng sẽ được cho đi tắm, đi khử chấy rận. Và họ chen chúc nhau để trút bỏ trang phục tù dơ bẩn với mong ước được chút nước ấm tẩy rửa thân thể còm cõi. Nào ngờ đâu họ đang bước vào cõi chết khi đặt chân vào đây, cửa sập lại, các ô thông gió là nơi hơi ngạt được bơm vào. Thoảng đâu đó từ sâu thẳm, du khách dường như vẫn nghe được tiếng rên siết bật ra từ những hình hài ốm yếu, xiêu vẹo, nhàu nát, những tiếng thở quặn đau và tắt nghẹn dưới luồng hơi ngạt.
Cạnh phòng hơi ngạt là lò thiêu với những cánh cửa lò bằng thép đen đặc. Vẫn còn đó đường ray và những chiếc xe goòng chở xác tù binh nằm yên vô tri vô giác, chính chúng là chứng nhân của tội ác không thể nào dung thứ được của phát xít Đức. Len lén lau đi dòng lệ chực trào, bản thân người viết và có lẽ những người đang trong gian phòng này đều muốn nhanh chân bước ra. Bởi dường như không khí tại đây đã bị những lò thiêu xác này hút sạch, dù chúng đã tắt lửa hơn 70 năm qua.
Một đám đông du khách tập trung tại khoảnh sân nhỏ quanh người hướng dẫn đang chia sẻ thông tin sau khi cuộc chiến kết thúc. Trại tập trung này được quân đồng minh sử dụng một phần làm bệnh xá, chủ yếu chữa trị cho các tù binh. Và một số phiên xét xử tội phạm chiến tranh dành cho những thành viên SS điều hành trại đã diễn ra tại đây, 12% trong số 7.000 sĩ quan, lính SS bị kết án phạm tội ác chiến tranh. Viên sĩ quan trại trưởng đầu tiên Rufolf Hoss là một trong những người bị phán quyết tử hình và đã bị treo cổ ngay chính tại nơi y từng gieo rắc tội ác. Xa xa, một chiếc bục gỗ với giá treo cổ chính là nơi tên trại trưởng đền tội vẫn còn đứng đó trong ánh chiều buồn.
Hằng năm, trại Auschwitz đón hơn 1 triệu du khách khắp nơi trên thế giới ghé thăm, trong số đó không ít người là con cháu những tù nhân từng bị giam cầm hoặc đã chết tại trại tập trung này. Họ vượt đường xa đến đây để được tận mắt nhìn thấy và cảm nhận nỗi đau, sự thống khổ mà cha, ông họ từng chịu đựng, để rồi vội vã rời đi ngay trong ngày, chứ không lưu lại dẫu chỉ một đêm để tham quan khu trung tâm thị trấn khá cổ kính với không ít cảnh quan tuyệt đẹp.Có lẽ chính bầu không khí còn quyện màu tang thương của nơi này còn vấn vương trong tâm trí mọi người, nên việc ở lại quả là quá sức chịu đựng của họ.
Sau khi cuộc chiến kết thúc, Liên Xô và các nước đồng minh đã cho phá bỏ phần lớn các công trình kiến trúc, nhà máy, các trại giam, lò thiêu tại đây để tránh khơi gợi lại nỗi đau thương. Một số nhà máy hóa chất do phát xít Đức xây dựng trước đây được chính quyền Ba Lan thời bấy giờ giữ lại và duy trì hoạt động, tạo không ít công ăn việc làm cho dân địa phương. Năm 1947, chính quyền Ba Lan đã biến một số khu vực còn lưu giữ lại thành bảo tàng để cho thế giới biết về những tội ác phát xít Đức đã gây ra. Năm 1974, trại Auschwitz được Unesco công nhận là di sản thế giới.
Bước khỏi nơi từng là chốn địa ngục trần gian, mọi người đều tự hỏi và vẫn không thể tìm ra câu trả lời tại sao con người lại có thể đối xử với nhau quá sức tàn ác như vậy. Hy vọng những đau thương ấy sẽ không bao giờ tái diễn.
Theo Lã Phi Long/Doanh nhân Sài Gòn