18-01-2024 10:23

Ăn tết người Hà Nhì ở nơi cuối đất cùng trời

Ăn tết người Hà Nhì ở nơi cuối đất cùng trời

Sau khi chinh phục cột mốc số 0 A Pa Chải ở cực Tây Tổ quốc, giờ chót chúng tôi quyết định quay về cung đường Mù Cả – Pác Ma thuộc huyện Mường Tè, Lai Châu xem bà con người Hà Nhì ăn tết cổ truyền.

Du lịch Lai Châu xem bà con người Hà Nhì ăn tết cổ truyền

Con cháu người Hà Nhì qua cầu khỉ về bản chúc tết họ hàng, tô điểm khung trời Tây Bắc - Ảnh: T.T.D.

Con cháu người Hà Nhì qua cầu khỉ về bản chúc tết họ hàng, tô điểm khung trời Tây Bắc – Ảnh: T.T.D.

Đường đèo Mù Cả – Pác Ma đẹp tựa như đèo Lò Xo của Trường Sơn, bởi lẽ nó không chỉ giống đường nét khúc đoạn mà còn len lỏi giữa màu xanh thẫm đại ngàn.

Sự ngẫu nhiên may mắn khi đi “phượt” đúng thời điểm bà con người Hà Nhì ăn tết cổ truyền đã níu chân chúng tôi ở lại vùng đất cuối trời Tây Bắc đến 3 ngày.

Tết giữa mây và núi

Địa bàn định cư của người Hà Nhì rộng khắp Mường Nhé, Mường Tè. Họ có quan hệ mật thiết, họ hàng, ràng buộc bao đời nay. Nhưng thời điểm tổ chức lễ tết lại không đồng nhất, mà do cộng đồng dân bản sắp xếp tùy tình hình thực tế của địa phương.

Tuy thế, theo truyền thống, tết của người Hà Nhì phải tổ chức đúng ngày thìn và sau khi mùa màng đã thu hoạch xong. Năm nay, người Hà Nhì thung lũng Ka Lăng (Mường Tè) tiến hành lễ tết vào tháng 10, xã Mù Cả cũng thuộc Mường Tè lại chọn tháng 11 và xã Sín Thầu – Mường Nhé bố trí vào tháng 12.

Từ sáng sớm, khi thị tứ Pác Ma bên sông Đà còn ngái ngủ, chúng tôi phóng xe gần 20km trở lại trung tâm xã Mù Cả. Cung đường này gió vờn mây, mây vờn núi khiến khách lữ hành cứ bịn rịn, không muốn nhấn tay ga. Giờ này bà con Hà Nhì hầu hết đã bày cỗ chuẩn bị cúng tổ tiên.

Theo sự chỉ dẫn của dân bản, chúng tôi ghé thăm ông Pờ Lóng Tơ – nghệ nhân nghiên cứu sử thi, trường ca… của dân tộc Hà Nhì.

Dù bề bộn với bao nghi lễ cúng bái đầu năm nhưng ông vẫn giải nghĩa mạch lạc từng tục lệ nếp xưa: Bàn thờ cúng đầu năm của người Hà Nhì luôn chia ra 3 ngăn thờ tổ tiên, thầy cúng và quan tướng bảo hộ. Phần lễ vật ngoài rượu trắng còn cúng bát canh nấu giò heo. Tuy vậy, gia chủ phải chia rành mạch. Phần chân giò đã rút móng dành cho tổ tiên. Riêng đùi, bắp giò cúng thầy cúng, quan tướng phù hộ gia đình bình an. Ngoài ra không thắp hương khi dâng cúng.

Dù ở xa hoặc bận bịu công việc làm ăn, nhưng ngày tết người Hà Nhì đều tạm gác mọi chuyện trở về nhà sum họp gia đình, cúng tổ tiên và thăm viếng họ hàng gần xa.

Như chị Vù Ha De sinh sống tại Mường Nhé, mỗi năm một lần vượt hơn trăm cây số về với mẹ, anh em. Không ít trường hợp người đi làm ăn ở Hà Nội, thậm chí tận miền Trung cũng không ngoại lệ.

Theo quan niệm của người Hà Nhì, khách đến nhà chơi dịp lễ tết là điềm lành. Nhưng nếu khách không uống rượu là điều kiêng kị. Vì vậy, rượu được cụng ly liên tục để khách khi ra về đủ “lắc lư”.

Được tiếng rộng rãi, hiếu khách nhưng tôn ti trật tự trong gia đình người Hà Nhì rất nghiêm ngặt, con dâu không được ngồi cùng mâm ăn uống với bố chồng, anh chồng. Thêm nữa khi khách đến chơi nhà, phụ nữ thường ít xuất hiện.

 Các cô gái dân tộc Hà Nhì tươi vui chuẩn bị hội xòe - Ảnh: T.T.D.

Các cô gái dân tộc Hà Nhì tươi vui chuẩn bị hội xòe – Ảnh: T.T.D.

Hội xòe ngày tết

Đến bản Cừ Xá cách Mù Cả 15km về phía Nam, có một xóm nhỏ gồm 21 hộ dân sống rải rác bên sườn núi giữa tứ bề rừng xanh mát mắt. Làng nhìn xuống con suối Nậm Ma quanh năm nước chảy cuồn cuộn tạo cảnh vật hoang dã, thơ mộng.

Và nếu không có hình ảnh chiếc cầu khỉ vắt ngang con suối để người dân bản đi lại hằng ngày thì Cừ Xá hoàn toàn cách biệt với cuộc sống của xã. Đời sống của dân bản tuy chưa khá giả, song ổn định với nghề nông và hằng năm được Nhà nước chi trả các khoản bảo vệ rừng.

Nhờ vậy rừng vùng Cừ Xá nói riêng, Mù Cả nói chung được giữ gìn nghiêm ngặt, không bị tàn phá như các vùng lân cận.

Chúng tôi lặn lội tới đây vì nghe tiếng dân bản duy trì rất tốt những nghi lễ, tập quán mang tính truyền thống của người Hà Nhì xưa, đồng thời phụ nữ trong bản được khen là cần mẫn, thủy chung, lại khéo tay thêu thùa thổ cẩm.

Đứng bên bờ suối nhìn từng nhóm thanh niên vượt cầu khỉ về bản chúc tết họ hàng và từ rẻo cao chốc chốc nổi lên tiếng chiêng, trống báo hiệu ngày tết đầu năm, như níu chân chúng tôi ở lại qua đêm dự hội xòe.

Đêm về, từng cơn gió thỉnh thoảng thổi qua, mang theo cái rét buốt của núi rừng. Tiếng chiêng, trống cầm nhịp đã nổi lên, các cô sơn nữ xinh đẹp trong trang phục dân tộc rực rỡ đầy màu sắc tựa những đóa hoa rừng mới nở sẽ nhịp nhàng từng bước chân trong vòng xòe, thâu đêm.

Tây Bắc ẩn chứa nhiều điều mới lạ, độc đáo. Và mỗi chuyến khảo sát chúng tôi phát hiện biết bao điều lý thú. Với cuộc hành trình trở lại Mường Nhé và Mường Tè của chúng tôi lần này, được thăm tết đậm đà bản sắc dân tộc Hà Nhì giữa đại ngàn xanh quả là một cơ duyên hiếm có trong đời.

Theo Trần Thế Dũng/Tuổi trẻ

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan