Ngoài thác Bản Giốc, hang Pác Bó, Cao Bằng còn có nhiều điểm tham quan khác như núi Thủng, rừng Trần Hưng Đạo.
9 điểm đến ở công viên địa chất Cao Bằng
Công viên địa chất Non nước Cao Bằng có diện tích hơn 3.000 km2, bao gồm 6 huyện: Hà Quảng, Quảng Uyên, Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa và một phần của huyện Nguyên Bình, Hòa An, Thạch An. Với 90% diện tích địa hình đồi núi, đây là nơi sinh sống của 9 dân tộc khác nhau, trong đó có người Nùng, Tày, Mông, Dao, Sán Chay, Kinh… UNESCO công nhận đây là Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 4/2018.
Núi Thủng: Núi Thủng hay Mắt Thần núi là một hang thủng ở xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh. Trong giai đoạn Tân kiến tạo, hang đã được nâng lên cao 50 m so với mặt hồ. Hồ Nậm Trá dưới chân Mắt Thần núi có nước dâng cao vào mùa mưa (tháng 6-8) và hạn trong mùa khô. Từ đường lớn vào núi Thủng, du khách sẽ đi khoảng 15 phút qua lối mòn, nơi sinh sống của người Tày ở xã Bản Danh. Nơi đây có những ngôi nhà lợp ngói âm dương và cánh đồng lúa, ngô trùng điệp.
Làng hương Phia Thắp: Nghề làm hương ở làng Phia Thắp, huyện Quảng Uyên đã có từ lâu đời. 5-6h sáng, người dân bắt đầu phơi lá bầu hắt; vót mai; dùng nước keo dính bột mùn cưa, bầu hắt và phơi hương. Vì hương ở đây được làm từ các loại lá tự nhiên và mùn cưa, khi đốt sẽ có mùi thơm nồng. Anh Hoàng Văn Út, dân tộc Nùng An cho biết, sau khi phơi khô, gia đình anh sẽ nhuộm chân hương và đem ra chợ phiên bán. Du khách tới đây cũng có thể mua hương với giá 10.000 đồng 3 bó.
Thác Bản Giốc: Nằm ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, thác là điểm tham quan nổi tiếng nhất của tỉnh Cao Bằng. Thác bắt nguồn từ sông Quây Sơn và chia thành 2 nhánh chính và phụ. Thác chính gồm 3 tầng, cao khoảng 35 m, nằm giữa biên giới Việt – Trung. Thác phụ nằm ở Việt Nam, gồm một tầng cao 30 m. Vào mùa mưa, từ tháng 4 đến tháng 9, dòng nước chảy xiết, tung bọt trắng xóa. Còn mùa khô vào tháng 10 – 3, dòng thác êm ả hơn với màu xanh ngọc. Ở đây, du khách có thể trải nghiệm ngồi thuyền khám phá cảnh quan thác, với giá 50.000 đồng một người.
Đền thờ vua Lê: Đền thờ vua Lê Thái Tổ nằm ở thành Nà Lữ, thuộc địa phận xã Hoàng Tung, huyện Hòa An. Thành có 4 gò đất, được đặt tên Long, Ly, Quy, Phụng qua các triều đại phong kiến. Trong đó, ngôi đền được xây dựng ở gò Long. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ngôi đền và thành Nà Lữ là địa điểm hoạt động cách mạng bí mật. Ngôi đền được xây dựng theo kiểu chữ tam với 3 nhà, 7 phòng. Đi qua một khoảng sân rộng, du khách sẽ lên đền chính. Bên trong đền có những bức hoành phi chạm trổ hình long, phụng. Ngày nay, công trình được trùng tu trở thành nơi sinh hoạt văn hóa và tổ chức lễ hội của người dân trong vùng.
Hang Ngườm Bốc: Nằm ở xã Hồng Việt, huyện Hòa An gần với đền thờ vua Lê là hang Ngườm Bốc. Đây là hang động tự nhiên phát triển trong đá vôi, hình thành trong biển nông, cách đây hàng trăm triệu năm. Từ dưới đường, du khách sẽ phải leo một đoạn dốc dài hơn 100 m lên cửa hang lớn. Trong hang có đường thông xuống cửa hang nhỏ phía dưới, nơi có dòng suối và hồ nước. Để đảm bảo an toàn cho người tham quan, đoạn dốc trong hang đã được niêm phong. Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra vỏ sò ốc trong hang Ngườm Bốc, cho thấy đây từng là nơi ở của người tiền sử trong kỳ đá mới, cách đây khoảng 10.000 năm. Vì vậy, trong truyền thuyết của người Tày, hang là nơi cư trú đầu tiên của hai người khổng lồ gây gựng non nước Pú Lương – Slao Cải.
Làng dệt thủ công người Tày: Dệt thổ cẩm trước đây là công việc thường ngày của phụ nữ Tày ở Cao Bằng. Các loại vải được dệt bằng sợi len lớn với màu sắc chủ đạo là xanh, đỏ, tím, đen, trắng. Họa tiết trên vải chủ yếu là các loài hoa, động vật quý và chim muông. Ngày nay, văn hóa truyền thống này vẫn được gìn giữ ở xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng. Trong ảnh là nghệ nhân Nông Thị Thược, 57 tuổi, một trong những người cuối cùng ở làng duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Gia đình bà đã có 4 đời làm nghề. Với lòng yêu nghề, bà từng vận động nhiều phụ nữ trong xóm, thành lập tổ dệt và bán sản phẩm tới nhiều nơi trong và ngoài nước. Năm 2016, gia đình bà Thược được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng “Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam”.
Khu di tích Pác Bó: Đến với khu di tích Pác Bó, huyện Hà Quảng, du khách sẽ ghé thăm các địa danh gắn liền với năm tháng hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cao Bằng. Điểm đầu của tuyến đường là đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên dãy Linh Sơn. Dọc theo suối Lê-nin du khách sẽ đi qua núi Các-mác, rừng trúc Người từng trồng.
Cách đường dọc bờ suối khoảng 40 bậc thang hướng lên trên là hang Cốc Bó, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong thời gian Người hoạt động tại Pác Bó. Cửa hang nhỏ và hẹp, khi đi qua chỉ vừa một người. Bên trong hang ẩm ướt và lạnh do có mạch nước ngầm. Ngày nay, trong hang vẫn còn giữ lại tấm phản hay còn gọi là giường của Bác khi ở đây. Ra khỏi hang Cốc Bó, du khách có thể tiếp tục hành trình chinh phục cột mốc 108, phân định biên giới Việt – Trung, hay tham quan bàn đá nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng làm việc bên suối.
Rừng Trần Hưng Đạo: Khu rừng nằm dưới chân núi Slam Cao, trong khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình. Nơi đây mang vẻ đẹp nguyên sơ và có khí hậu mát mẻ quanh năm. Đây cũng là nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm 1944. Dọc theo hơn 500 bậc thang rêu phong, du khách sẽ tham quan lán nghỉ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, mỏ nước và cây sấu cổ thụ mà các chiến sĩ từng dùng. Năm 1994, bia tưởng niệm 34 đồng chí của Đội đã được xây dựng tại đây.
Đồn điền chè Kolia: Đồn điền chè Kolia nằm tại Phia Đén, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình. Nằm ở độ cao hơn 1.300 m so với mực nước biển, nơi đây có khí hậu mát mẻ và trong lành. Du khách có thể chiêm ngưỡng khung cảnh núi non hùng vĩ, trập trùng trong màn sương mờ ảo. Cũng từ đây, thương hiệu trà Phia Đén dần được xây dựng và có mặt trên thị trường. Du khách có thể nghỉ chân tại khu du lịch sinh thái Kolia, thưởng thức những món ăn chế biến từ nông sản được trồng tại chỗ.
Ngày 2 – 6/10 tại thành phố Cao Bằng và huyện Trùng Khánh sẽ diễn ra lễ kỷ niệm 520 năm thành lập tỉnh Cao Bằng; 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các hoạt động chào mừng gồm Lễ kỷ niệm, Tuần văn hóa, thể thao, du lịch “Non nước Cao Bằng” và khánh thành, gắn biển tại các công trình.
Ngày 5-6/9, tại Khu du lịch Thác Bản Giốc sẽ diễn ra lễ hội du lịch. Các hoạt động bao gồm lễ hội ánh sáng, lễ rước nước cầu an, triển lãm ảnh, liên hoan hát dân ca…
Theo Lan Hương/ Vnexpress