Du khách đến Sài Gòn có thể tìm thử cháo Tiều, cháo lòng hay cháo bò viên tại các quán ăn lâu năm.
7 tiệm cháo với đủ món khác nhau ở Sài Gòn
Cháo lòng: Đây là món ăn bình dân, phổ biến ở đường phố Sài Gòn. Hạt gạo được nấu nở bung và có màu cánh gián là đặc trưng của tô cháo lòng. Sự thành công của món ăn còn nằm ở cách đầu bếp có xử lý lòng heo kỹ và nêm nếm dậy vị hay không. Món ăn thường được phục vụ kèm quẩy.
Mỗi tô cháo lòng thường có giá 20.000 đến 30.000 đồng, cũng có quán bán tô cháo giá 5.000 đồng. Hai địa chỉ đã tồn tại hàng chục năm tại Sài Gòn mà bạn có thể tìm đến là quán trên đường Cô Giang và Ngô Huy Tự (quận 1).
Cháo bò viên: Tô cháo nóng hổi ăn kèm bò viên dai và giòn là một trong những món ăn xế bạn có thể thử khi đến quận 5. Quán nhỏ nằm trên đường Lê Hồng Phong được nhiều người biết với hơn 20 năm kinh nghiệm. Cháo ngon thường có độ sánh vừa phải, thêm vài miếng gừng cay tạo vị đậm đà, ăn nóng với tương đen. Suất ăn còn có vài lát gừng, huyết và quẩy để ăn kèm. Giá trung bình cho một tô từ 25.000 đồng tùy loại như: cháo bò viên, cháo bò viên thập cẩm (có thêm da heo, huyết) hay cháo giò.
Cháo sườn: Sài Gòn không thiếu hàng cháo, từ cháo lòng đến cháo má heo, cháo gà, cháo vịt… Nhưng cháo sườn thì ít hơn, quán ăn lâu năm có kinh nghiệm thì đếm trên đầu ngón tay. Tại quán nhỏ trong hẻm đường Trần Khắc Chân, quận 1, một tô cháo giá 30.000 đồng. Cháo nấu ngày nào, bán hết ngày đó. Nếu như thời gian đầu, quán chỉ bán đúng món cháo sườn ăn kèm với xíu mại thì bây giờ, thực đơn đã có hơn 10 món. Khách đến đây có thể thoải mái lựa chọn các món ăn kèm như bao tử, gan, phèo, trứng bắc thảo, mực, da heo…
Cháo vịt: Người thích cháo vịt thường nhớ tới hình ảnh chiếc tủ kính treo gần chục con vịt đã được luộc chín, bóng bẩy tại các quán ăn. Những con vịt to, mập mạp sau khi được làm sạch, luộc chín, được treo nguyên con trong tủ, đến khi có khách gọi món mới đem xuống chặt. Điểm nhấn của món cháo vịt là từng miếng thịt dày, nhiều nạc nhưng không hề bở mà mềm vừa phải; lớp da hơi dai, dính một chút xíu mỡ nên khi ăn ít thấy ngán.
Thường cháo sẽ ăn kèm với đĩa gỏi, bắp cải trộn chua để bớt vị hăng. Thịt vịt chặt được xếp lên trên, thêm một ít hành phi, rau răm ăn kèm với chén mắm gừng. Suất ăn cho một người có giá trung bình 60.000 đồng. Quán bà Lâm (quận 10) hay cô Hợp (quận 4) là địa chỉ cháo vịt ngon ở Sài Gòn.
Cháo gà: Cháo gà không khác mấy so với cháo vịt. Điều làm nên sự hấp dẫn của món này là phần gỏi gà giòn dai. Thịt gà phải luộc vừa chín tới rồi xé tơi. Bắp cải thái nhỏ và đều. Hai loại nguyên liệu này trộn cùng với một số loại gia vị theo công thức riêng của từng quán mà cho ra hương vị thơm ngon. Rau húng, đậu phộng luôn được thêm vào để tăng hương vị. Khi thưởng thức, thực khách có thể trộn chung cháo và gỏi gà hoặc ăn riêng từng món. Suất cháo gỏi gà có giá từ vài chục đến cả trăm nghìn đồng, thích hợp để đi ăn theo nhóm.
Cháo mực: Tô cháo mực thường có thành phần chính là huyết, khô mực và tôm khô. Cháo được nấu bằng gạo dẻo và thơm, có vị ngọt đặc trưng từ khô mực xé nhỏ, xương heo và tôm khô. Giá cho một tô cháo mực trung bình 20.000 đồng. Tại quán cháo trên đường Phó Đức Chính (quận 1) còn có món trứng bắc thảo, giò heo, chân gà ăn kèm. Giá sẽ thay đổi tùy thuộc vào phần ăn gọi thêm. Bạn cũng có thể đến quán nằm gần trường đại học Kiến Trúc, đây là một địa chỉ ăn uống lâu năm có tiếng ở Sài Gòn.
Cháo Tiều: Tô cháo lòng theo kiểu Triều Châu (người Tiều) là sự kết hợp của cháo trắng và nguyên liệu tươi sống. Năm 1942, địa chỉ này là một gánh hàng rong của người Triều Châu trên đường Nguyễn Thiện Thuật, sau mới mở quán. Tô cháo hấp dẫn với màu sắc của hành lá, gừng và mùi thơm của tiêu xay. Khách có thể yêu cầu thêm trứng gà cho vào bên trong tuỳ theo khẩu vị. Giá một suất ăn đầy đủ là 65.000 đồng. Nếu chỉ chọn vài loại nguyên liệu ăn kèm, khách trả trung bình 40.000 đồng một phần. Quán bán từ 3h30 chiều đến 11h tối, cao điểm đông khách vào lúc 7h tối.