Từ Australia đến Mỹ, 6 hành trình đường sắt vĩ đại nhất thế giới đã được giới thiệu trong cuốn sách “Slow Trains To Venice”.
6 hành trình đường sắt vĩ đại nhất thế giới
Mỹ: Nhắc tới xứ cờ hoa, nhiều người liên tưởng tới hệ thống sân bay và đường cao tốc hiện đại. Tuy nhiên, đường sắt là chìa khóa liên kết giữa các vùng đất, nối biển với biển, biểu tượng cho việc chinh phục bờ Tây nước Mỹ. Đường xuyên lục địa đầu tiên được hoàn thành vào ngày 10/5/1869, hiện là điểm thu hút khách du lịch. Bạn có thể khám phá tuyến New York – Chicago chạy dọc theo sông Hudson hùng vĩ hay Chicago – Seattle để băng qua vùng hoang dã của đồng bằng phía bắc. Ảnh: Justdial.
Australia: Tuyến đường sắt Ghan chia đôi Australia dài gần 3.000 km, từ Adelaide (Nam Australia) đến Darwin (Bắc Australia). Bạn sẽ mất 54 giờ trên tàu để xuyên qua sa mạc đỏ nóng bỏng, ngắm cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ của Australia. Ảnh: 99.co.
Thụy Sĩ: Tuyến đường sắt huyền thoại giữa Zermatt và St Moritz cho phép bạn có 8 giờ để chiêm ngưỡng khung cảnh núi rừng hùng vĩ của Thụy Sĩ với các điểm dừng tại Andermatt và Chur. Chạy trên đường ray hẹp, đoàn tàu thực hiện hành trình hơn 291 km, đi qua 91 đường hầm và 291 cây cầu. Ảnh: Newly Swissed.
Ấn Độ: Tàu hỏa là phương tiện giao thông quan trọng ở Ấn Độ. Hơn 1,3 triệu người làm việc trong ngành đường sắt Ấn Độ, nơi vận chuyển 20 triệu hành khách mỗi ngày. Quốc gia này sở hữu những hành trình đường sắt ngoạn mục như tuyến khám phá Tam giác vàng từ Delhi đến Agra, Ranthambore và Jaipur; đường sắt băng qua 107 hầm; Darjeeling Himalaya… Ảnh: Stars Insider.
Canada: Cuộc hành trình từ Banff, Alberta tới Vancouver, British Columbia, là một trong những hành trình đường sắt vĩ đại nhất thế giới. Đoàn tàu sẽ đưa du khách đi qua dãy Rocky với những đỉnh núi tuyết và nhiều sông, hồ. Cuộc hành trình mất 2 ngày với một điểm dừng qua đêm ở Kamloops. Ảnh: USA Today.
Nga: Trên tuyến đường sắt xuyên Sibir, bạn sẽ được du hành tới những địa điểm lạ như lạc giữa vùng đất ngoài hành tinh. Du khách có thể lựa chọn 3 tuyến đường khác nhau để tới Vladivostok (Nga) hoặc Trung Quốc. Ảnh: Pentapostagma.
Theo Vân Anh/Zing news