Đến miền Tây vào bất cứ mùa nào trong năm, bạn có thể thưởng thức cá lóc kho tộ hoặc canh chua cá trê.
5 món dân dã nên thử khi về miền Tây
Cá rô, cá lóc kho tộ: Những món ăn làm từ cá rô và cá lóc khá phổ biến ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Bạn có thể thưởng thức nhiều cách chế biến khác nhau như chiên giòn ăn với nước mắm chua ngọt, nấu canh chua… song ngon nhất phải kể đến món kho tộ. Cá được tẩm ướp gia vị, kho bằng nồi đất với lửa nhỏ cho thật mềm, thấm. Món này ăn với cơm trắng trong những ngày mưa là lựa chọn được yêu thích.
Canh chua cá trê: Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến món canh chua cá trê thanh mát. Tô canh chua bưng ra muốn ăn ngon thì phải còn nghi ngút khói. Thịt cá trê ngọt, béo, nêm thêm ít me chua, nước mắm ngon kết hợp vài quả ớt, chút rau mùi.
Lòng tong kho mỡ hành: Lòng tong là một loài cá phổ biến, thường được dùng để kho tiêu hoặc chiên giòn, phổ biến ở các bữa cơm gia đình miền Tây. Ngày nay, loài cá này còn có thêm biến tấu kho với mỡ hành. Hành được phi cho thêm, nêm gia vị cho vừa miệng. Sau đó, hỗn hợp này sẽ cho lên trên cá lòng tong rồi kho trong chừng 15 phút. Món ăn thường dùng chung với cơm trắng, dưa leo và rau sống.
Lẩu bông điên điển: Điều tạo nên sự độc đáo của món ăn này chính là nhờ vị đặc trưng của bông điên điển, nấu cùng cá linh, cá rô hoặc cá bông lau. Đầu bếp còn cho thêm chút me dầm tạo vị chua nhẹ, thêm chút tóp mỡ. Các nguyên liệu hòa cùng các loại gia vị làm cho món ăn dậy mùi thơm phức. Lẩu bông điên điển có thể ăn kèm với bún tươi hoặc cơm nóng và không thể thiếu một ít nước mắm ớt để chấm cá, giúp món ăn thêm đậm đà.
Mắm ong rừng U Minh: Món ăn không mấy quen thuộc với thực khách đến từ thành thị. Nhưng đối với người dân sống vùng U Minh (Cà Mau), đây là đặc sản phổ biến, dành để biếu khách. Cách chế biến mắm ong rừng không mấy cầu kỳ, chỉ cần chần tổ ổng vào nước sôi để lấy ong. Sau đó, đầu bếp nêm thêm chút gia vị, không thể thiếu thính gạo rang đã xay nhuyễn. Món ăn dùng chung với khế chua, chuối chát và rau sống, gây ấn tượng với vị lạ miệng.
Theo Vnexpress