Lăng vua Gia Long nằm ở thượng nguồn sông Hương, còn lăng Khải Định ghi dấu với kiến trúc kết hợp Đông – Tây.
5 lăng vua triều Nguyễn nên ghé thăm khi du lịch Huế
Lăng Gia Long hay Thiên Thọ Lăng, tọa lạc tại xã Hương Thọ (thị xã Hương Trà), là lăng mộ của Gia Long hoàng đế (1762-1820), vị vua sáng lập nên triều Nguyễn. Lăng được xây dựng từ năm 1814 và đến năm 1820 mới hoàn tất. Quần thể lăng vua Gia Long được cho có vị trí phong thủy đẹp nhất trong những lăng vua triều Nguyễn. Sử cũ cho hay, thầy địa lý Lê Duy Thanh (con trai nhà bác học Lê Quý Đôn) là người tìm được thế đất này, nơi mà theo ông “đã tập trung được mọi ảnh hưởng tốt lành tỏa ra từ nhiều núi đồi bao quanh”.
Vua Gia Long là vị vua triều Nguyễn cho phép vợ mình – Thừa Thiên Cao Hoàng hậu chôn cất cạnh bên sau khi mất. Mộ phần vua Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng hậu được bao bọc bởi hệ thống bửu thành.
Lăng vua Minh Mạng còn gọi là Hiếu Lăng nằm trên núi Cẩm Khê, gần ngã ba Bằng Lãng là nơi hội lưu của hai dòng Hữu Trạch và Tả Trạch hợp thành sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế 12 km. Đây cũng là điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch Huế. Lăng Minh Mạng được xây dựng từ năm 1840 đến năm 1843 thì hoàn thành. Theo sử sách, đích thân vua Minh Mạng xem xét, phê chuẩn họa đồ thiết kế do các quan Bùi Công Huyên, Trương Đăng Quế và Giám thành vệ dâng lên. Tháng 4 năm 1840, công cuộc kiến thiết Hiếu Lăng bắt đầu.
Lăng vua Minh Mạng có bố cục kiến trúc cân bằng đối xứng. Xung quanh một trục kiến trúc là đường thần đạo, xuyên qua loạt công trình gồm: cửa chính, sân chầu, nhà bia, sân tế, Hiển Đức môn, điện Sùng Ân, hồ Trừng Minh, Minh Lâu, hồ Tân Nguyệt (trăng non), cổng tam quan Quang Minh Chính Trực, Trung Đạo kiều và cuối cùng là bửu thành. Lăng có diện tích 18 ha (nhưng diện tích cấm địa quanh lăng là 475 ha), xung quanh lăng có la thành bao bọc.
Lăng vua Thiệu Trị nằm ở làng Cư Chánh xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, là nơi chôn cất hoàng đế Thiệu Trị (1807-1847), vị vua thứ ba của triều Nguyễn. Đây là lăng vua triều Nguyễn duy nhất xoay về hướng tây bắc.
So với hai lăng Gia Long và Minh Mạng, lăng vua Thiệu Trị gần Kinh thành hơn, là sự dung hòa hai mô thức kiến trúc của hai lăng vua tiền nhiệm bằng cách thiết kế thành hai trục: trục lăng nằm bên phải và trục tẩm – khu vực điện thờ nằm bên trái.
Khiêm Lăng ở phường Thủy Xuân, TP Huế là nơi chôn cất vua Tự Đức (1829 – 1883), vị vua có thời gian trị vì triều Nguyễn lâu nhất với 36 năm. Lăng được xây dựng từ năm 1866 đến năm 1873 thì cơ bản hoàn thành. Lăng Tự Đức có khuôn viên rộng lớn với suối chảy, thông reo, chim hót. Lăng tẩm vua Tự Đức nằm ở khu vực cao nhất, xung quanh được bao bọc bởi rừng thông cổ thụ, cây sứ.
Khiêm Lăng có kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sơn thủy hữu tình với gần 50 công trình ở cả hai khu vực tẩm điện và lăng. Bố cục khu lăng gồm hai phần chính trên hai trục song song, phía trước là núi Giáng Khiêm, sau là núi Dương Xuân và trong khuôn viên có hồ Lưu Khiêm.
Lăng vua Khải Định nằm ở triền núi Châu Chữ thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy là nơi an nghỉ của vua Khải Định (1885 -1925). Lăng được khởi công xây dựng vào năm 1920, 11 năm sau mới hoàn thành với kiến trúc như ngày nay.
Lăng vua Khải Định là một trong những lăng vua triều Nguyễn có kiến trúc vào loại đẹp nhất khi được xây dựng theo phong cách Đông – Tây. Vật liệu xây dựng lăng được chuyển từ Pháp về là chủ yếu. Ngày nay, lăng vua Khải Định là một trong những di tích thu hút nhiều khách du lịch Huế tham quan.