Dù không được bán ở vỉa hè, các đường Hà Tôn Quyền, Vĩnh Khánh, Phan Xích Long vẫn nườm nượp khách bởi món ăn đa dạng, phục vụ nhanh.
Du lịch Sài Gòn nhớ ghé 5 con đường ẩm thực không lúc nào vắng khách này nhé
Phan Xích Long (Phú Nhuận): Đây là con đường càng về đêm càng nhộn nhịp bởi hàng ăn, quán cà phê đủ loại. Bạn có thể tìm thấy mọi thứ đồ ăn thức uống ở đường Phan Xích Long, đến từ ba miền, đủ phong cách Á đến Âu, hàng rong vỉa hè đến quán lớn bán món tiền triệu. Cơm gà, các món nướng (bò lá lốt, chân gà…), ốc có giá cả phải chăng, được nhiều khách chọn lựa. Phong cách phục vụ ở đây được cho là khá nhanh, khách ít khi phải chờ, cũng không có tình trạng “chặt chém” vì giá luôn được niêm yết. Ảnh: Huấn Phan.
Ngoài quán Việt thì quán nướng, lẩu Hàn Quốc, Nhật Bản của nhiều thương hiệu lớn cũng xuất hiện ngày càng dày đặc trên đường này. Đây là điểm tụ họp bạn bè, gia đình được cho là tiện lợi hơn ở khu vực quận 1 do đường sá rộng rãi, nhiều chỗ để xe. Ảnh: Foody.
Hà Tôn Quyền (quận 11): Từ đầu buổi chiều, các quán ăn đã tấp nập thực khách đến để thưởng thức những bát sủi cảo nóng hổi, hấp dẫn. Các quán ăn thường bắt đầu bán vào lúc 13h30 đến khoảng 24h. Ở đây có hơn chục quán, nhưng người sành ăn thường chọn Thiên Thiên và Như Ý là hai quán ăn ngon và lâu đời. Giá một phần từ 35.000 đồng. Điểm trừ là khách đến đây không có nhiều chỗ để xe, lúc đông khách phải gửi ở chung cư khá xa quán ăn. Ảnh: HuPa.
Về cơ bản, món trên gồm có ba thành phần chính là sủi cảo, cải ngọt và nước dùng, xuất phát từ ẩm thực Trung Hoa. Tuy nhiên, khi du nhập vào Việt Nam, món ăn này đã được biến tấu với nhiều nguyên liệu khác như: mực, cá viên, da heo, tôm… vừa giúp món ăn trở nên hấp dẫn, vừa phù hợp với khẩu vị của người Việt. Hiện nay các quán ở Hà Tôn Quyền không chỉ bán sủi cảo mà thêm mì hoành thánh và một số món khác. Ảnh: HuPa.
Dương Bá Trạc (Quận 8): Vừa xuống chân cầu Nguyễn Văn Cừ, bạn có thể nhìn thấy la liệt hàng ăn ở hai bên đường. Khu vực này chỉ cách trung tâm một cây cầu, giá đồ ăn khá rẻ, nên được nhiều người chọn lựa. Nổi bật nhất là bánh mì nướng muối ớt từng gây sốt năm 2016, bánh mì heo quay tiệm A Nhiều, hay xúc xích ông Tây. Các món miền Tây như bún mắm, bún cá Châu Đốc… cũng hút khách, giá rẻ. Tuy nhiên, khách tới ăn lần đầu gặp khó khăn khi tìm địa chỉ quán vì con đường này được đánh số nhà hơi “loạn”, số chẵn và số lẻ xen lẫn ở hai bên. Ảnh: Má Lúm.
Sư Vạn Hạnh (Quận 10): Con đường này luôn thu hút những tín đồ ăn vặt bởi các quán vỉa hè giá rẻ bán đến tận khuya: chân gà nướng, xiên que, bò lá lốt, bánh xèo miền Trung, bánh căn… Nổi tiếng nhất là quán chè mâm 40 năm tuổi, luôn đông đúc, thời điểm 20-21h thì đông đến mức khách không có chỗ ngồi. Tuy nhiên một số quán hàng ở đây bị đánh giá thấp về độ vệ sinh thực phẩm, đồ đựng không được rửa kỹ. Nhiều thực khách e ngại vì có quán chỉ dùng một xô nước rửa bát từ chiều đến tối. Ảnh: Thu Hương.
Vĩnh Khánh (Quận 4): Nhắc đến ốc, hải sản ở TP HCM là nhớ ngay đến phố Vĩnh Khánh với gần hai chục quán lớn nhỏ hai bên đường luôn kín khách. Thực đơn đa dạng, phục vụ nhanh là điểm cộng của khu vực này. Quán bình dân giá vài chục nghìn một đĩa, quán sang giá gần triệu đồng một món cũng có, phù hợp với nhiều đối tượng khách. Từ tháng 3, vỉa hè ở thành phố được dọn dẹp, các quán ốc phải lui vào bán ở trong nhà, nên hơi chật chội. Trong khi đó phương án mua mang về lại không hợp lý bởi phong cách thưởng thức hải sản là ăn ngay sau khi chế biến (nướng, hấp…). Ảnh: diadiemanuong.
Theo Má Lúm/Vnexpress