Mục lục
Nathan Edgerton – khách du lịch ba lô, đồng thời cũng là một người chuyên viết về du lịch đã bỏ ra 4 tháng trời để hoàn thành hành trình đạp xe từ thành phố Hồ Chí Minh đến Hà Nội.
Ý tưởng nghe có vẻ điên rồ của Nathan khiến nhiều người không thể tin. Thế nhưng, anh đã làm được. Câu chuyện dưới đây của Nathan sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về lí do tại sao chàng trai này lại chọn cách du lịch kì lạ như vậy.
Khi tôi nói với những người bạn đồng hành về ý định thực hiện tour xe đạp dài 3200km, xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh và kết thúc tại Hà Nội, ai nấy đều cho rằng tôi cần phải lên kế hoạch kĩ càng và chuẩn bị rất nhiều thứ từ kinh nghiệm đạp xe cho đến khả năng sửa chữa xe…
Nhưng thực tế, tôi chỉ bắt đầu hành trình cùng một chiếc xe đạp bình thường và tất nhiên, tôi cũng chẳng biết gì về chuyện sửa chữa nó trong trường hợp bị hư hỏng. Dù vậy, chuyến đi của tôi vẫn diễn ra khá suôn sẻ. Nó không khó khăn cũng chẳng tốn kém như bạn nghĩ đâu.
Sắm “chiến mã” cho hành trình dài 3200km
Tôi đến thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 2 với kế hoạch tìm mua một chiếc xe đạp và thực hiện chuyến đi vòng quanh Đồng bằng sông Cửu Long, sau đó trở lại thành phố Hồ Chí Minh và tiếp tục tiến ra Bắc. Lộ trình của tôi là đi dọc theo đường bờ biển ra Nha Trang, sau đó vào nội địa theo hướng đi Tây Nguyên và lại men theo đường bờ biển ở Đà Nẵng để đến Hà Nội.
Lúc ấy, điều đầu tiên tôi cần làm là mua cho bằng được một chiếc xe đạp. Tôi biết mình phải tốn bộn tiền cho việc này, thế nhưng với bản tính tiết kiệm vốn đã ăn sâu vào máu, tôi quyết định không cần chi quá nhiều làm gì. Một người bạn đã khuyên tôi rằng, ít nhất nên sắm một “chiến mã” thật tốt. Nhưng một chiếc xe châu Âu bóng loáng có giá lên đến $400, nó khá đắt và tôi cũng chẳng muốn phải luôn trông chừng để nó khỏi bị mất cắp.
Thế nên một bạn đã khác đã chỉ tôi đến khu vực đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Võ Thị Sáu – nơi cho tôi nhiều sự lựa chọn hơn. Thật sự, có rất nhiều loại xe với kiểu dáng khác nhau nhưng cái tôi cần là một chiếc xe có giỏ phía trước để đựng máy ảnh, bản đồ và những thứ linh tinh khác. Sau một hồi xem xét, thật may mắn khi tôi đã tìm được một chiếc ưng ý với giá tầm $120 trong tiệm Martin 107. Tôi tự trấn an, nếu lỡ gặp vấn đề ở đồng bằng sông Cửu Long, tôi vẫn có thể trở về thành phố Hồ Chí Minh để mua một chiếc tốt hơn.
Sau khi đã sắm được xe đạp, tôi cần mua thêm những chiếc túi gắn hai bên để đựng đồ. Một cửa hàng chuyên dụng bán nó với giá hơn $100. Thật khó chấp nhận! Tất nhiên, tôi đã không mua và bắt đầu nghĩ đến một vài thứ khác có thể thay thế. Bất chợt tôi nhìn thấy một người đàn ông chạy xe với 2 chiếc túi nhựa ở hai bên, tôi lập tức nhận ra, đây chính là thứ mà mình cần. Tôi liền đến hỏi ông ấy chỗ mua, thế nhưng, thật ngạc nhiên khi ông ấy quyết định bán những chiếc túi của mình cho tôi với giá $10. Tôi đã đến chợ để mua thêm 2 cái như vậy nữa cùng một số dây cột với giá $5. Tổng cộng, tôi tốn chưa đến $150 cho tất cả. Vậy là xong, mọi thứ đã sẵn sàng.
Ngay đầu tiên của hành trình
Ngày đầu tiên, tôi cùng một người bạn quyết định đi Mỹ Tho, cách thành phố Hồ Chí Minh tầm 80km. Chúng tôi khởi hành khá sớm, dự định sẽ đạp vài tiếng vào buổi sáng, sau đó nghỉ trưa, uống cà phê và đợi nắng dịu bớt rồi tiếp tục hoàn thành đoạn đường còn lại vào buổi chiều. Tuy dự định là vậy nhưng thực tế, chỉ khoảng 9 giờ thì nắng đã bắt đầu gay gắt. Trong lúc đang loay hoay, tôi nhìn thấy bên lề đường có những sạp quần áo bán sơ mi tay dài. Thế là, tôi quyết định mua một chiếc rộng rãi với giá $2. Tôi cần nó để che chắn cho cánh tay của mình thay vì liên tục bôi kem chống nắng.
Hành trình trên Quốc lộ 1A
Chúng tôi tiếp tục tiến về phía Mỹ Tho dọc theo Quốc lộ 1A. Chúng tôi nhìn thấy một vùng ngoại ô với những ngôi nhà bê tông thấp ở khắp nơi. Cuối cùng. chúng tôi cũng vượt qua khỏi đoạn đường mà khách du lịch hay đi. Mỗi ngày đều có một vài đoàn du khách từ thành phố Hồ Chí Minh xuống Mỹ Tho, thế nhưng bởi vì đến nơi buổi chiều nên chúng tôi không thấy nhiều bóng dáng của người nước ngoài. Tôi và người bạn đồng hành dừng chân tại một nhà khách giá rẻ ($5/đêm) và sau đó đến một tiệm cơm chay để dùng bữa. Sau khi đã nghỉ ngơi đủ tại một quán cà phê bên bờ sông với Wifi miễn phí, chúng tôi tiếp tục dạo chợ đêm và thưởng thức những món ăn đặc trưng Việt Nam như chè, bắp nướng…
Làng quê Việt Nam và lời mời uống rượu nếp
Địa điểm tiếp theo của chúng tôi là Trà Vinh, tỉnh lỵ cách đó khoảng 60km. Nơi đây ẩn sâu trong vùng đồng bằng, hoàn toàn cách ly với khói bụi và tiếng ồn của khu vực Quốc lộ. Chuyến đi khá dễ dàng, chúng tôi thong thả đạp xe qua những con đường quê nhỏ, hai bên là ruộng lúa xanh rì, xa xa lại có những bụi cây chuối cây bưởi. Cảnh vật ở đây thật sự rất thanh bình. Chúng tôi dừng lại tại một quán cà phê nhỏ bên vệ đường để nghỉ ngơi. Ở những quán như thế này, bạn có thể nằm thư giãn trên những chiếc vòng, đồng thời thưởng thứ dừa tươi hoặc cà phê đá.
Chủ quán đã nhìn tôi bằng một ánh mắt vô cùng kỳ lạ. Cô ấy thậm chí còn cười khi nhìn thấy những chiếc túi nhựa mà tôi treo bên hông xe đạp. Cô ấy nói rằng, những chiếc túi của tôi trông rất giống túi của những người buôn bán rau quả. Nghe thấy thế, tôi cũng cười to. Sau khi biết được hành trình của tôi, người chủ quán đã tỏ ra rất hào hứng. Cô ấy thậm chí còn ra hiệu “No.1” với tôi.
Một trong những điều tuyệt vời nhất trong chuyến đi này là ai nấy đều hiếu kì về chuyện tôi đang làm. Thế là, những cuộc đối thoại thú vị sẽ diễn ra. Tùy thuộc vào thời gian trong ngày, đôi khi tôi còn nhận được lời mơi cùng uống rượu nếp.
Hành trình về phía Bắc
Từ đây, tôi đã đồng hành cùng người bạn của mình vòng quanh khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong khoảng 1 tháng (bao gồm thời gian ở Phú Quốc và Cần Thơ). Sau đó, tôi tiếp tục chuyến đi về phía Bắc một mình. Tôi đã dừng chân vài ngày tại một số địa điểm như Nha Trang, Hội An, Huế… Cuộc sống dễ dàng và cũng chẳng quá đắt đỏ, thế nên tôi cứ thư giãn và tận hưởng thôi. Mỗi ngày, tôi tiêu khoảng $15. Bởi vì đi xe đạp nên tôi không tốn tiền xe buýt cũng như xe ôm. Và có một thực tế là, do dành hầu hết thời gian cho việc đạp xe nên tôi không còn nhiều giờ để tiêu tiền vào những thứ khác nữa.
Tại sao “hai bánh” lại tuyệt hơn “bốn bánh”
Hy vọng, tôi có thể thuyết phục bạn rằng, chuyến đi hoành tráng này không tốn quá nhiều tiền và cũng chẳng quá khó khăn. Bên cạnh đó, tôi còn có cơ hội tận hưởng nhiều điều thú vị mà nếu đi ô tô, tôi sẽ chẳng bao giờ được trải nghiệm.
Suốt 200km từ Mũi Né đến Phan Rang, tôi đã được tận mắt chiêm ngưỡng những đồi cát hùng vĩ trông cứ như sa mạc. Khi đến khu vực phía Bắc của Cà Ná, tôi lại được ngửi mùi hăng từ các nhà máy nước mắm. Trong một lần dừng lại chụp hình ruộng lúa, một bác nông dân đã mời tôi về nhà dùng bữa. Giả sử nếu không thực hiện chuyến đi bằng xe đạp, có lẽ tôi không bao giờ được thưởng thức bữa cơm gia đình ở miền quê thế này.
Kinh nghiệm cho hành trình dài hơi bằng xe đạp:
- - Bạn cần chuẩn bị sẵn một chiếc mũ bảo hiểm tử tế.
- - Gắn thêm một chiếc kính chiếu hậu vào xe đạp giúp bạn dễ dàng theo dõi tình hình giao thông trên đường.
- - Một đôi găng tay với lớp đệm phía trong là cần thiết cho hành trình dài hơi.
- - Không cần quá lo lắng về vấn đề lốp và bánh xe bởi vì chỉ tầm 1km là bạn có thể tìm được chỗ sửa.
- - Thường thì ở những thị trấn nhỏ sẽ có rất ít người nói được tiếng Anh. Do đó, học một số câu giao tiếp tiếng Việt đơn giản chính là bí quyết “sinh tồn”.
- - Mang theo áo choàng ponsô để có thể phủ kín ba lô và túi trong trường hợp bạn phải đạp xe dưới trời mưa.