Trong dịp Tết Nguyên Đán Đinh Dậu, du khách có thể chọn cách đón lễ hội truyền thống tại Việt Nam, Trung Quốc, hoặc tới những địa điểm đặc sắc khác khắp nơi trên thế giới.
15 địa điểm đón Tết Nguyên Đán tuyệt nhất thế giới
Chợ hoa Quảng Bá tại thủ đô Hà Nội (Việt Nam) những ngày cuối năm luôn đông đúc, bởi hoa là vật không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt dịp Tết. Người mua cố gắng tìm những cành đào hoặc mai vàng bắt mắt nhất. Không khí đón xuân tràn ngập trên các nẻo đường. Ảnh: CNN.
Cuộc đua ngựa đầu năm mới ở trường đua Sha Tin (Hong Kong, Trung Quốc) được tổ chức vào ngày mùng 3 âm lịch hàng năm (tức ngày 30/1 năm nay). Người Hong Kong rất thích cá cược, vì vậy Tết Nguyên Đán là dịp tốt để thử vận may. Ngay cả những người không đam mê đua ngựa vẫn bị thu hút bởi những màn biểu diễn sống động, hoặc tới đây xem phong thủy và rút quẻ đầu năm. Du khách tới trường đua vào Tết Nguyên Đán nên mặc trang phục màu nâu, vàng hoặc đỏ, những màu được cho là may mắn vào ngày hôm đó. Ảnh: CNN.
Với dân số dưới 20.000 người, thị trấn Noãn Tuyền (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) thường không được khách du lịch chú ý tới vì quá nhỏ bé. Tuy nhiên, vào ngày 15 âm lịch hàng năm, thị trấn lặng lẽ này bỗng rộn ràng với màn biểu diễn “pháo hoa” ngoạn mục, được UNESCO công nhận là một trong những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu nhất của Trung Quốc. Truyền thống này có tên là Da Shuhua, được hình thành cách đây hơn 500 năm. Những người thợ rèn địa phương sẽ ném thanh kim loại nóng chảy lên cánh cổng của thị trấn, tạo ra một loạt tia lửa trông giống như pháo hoa. Ảnh: CNN.
Vào ngày 28/1 (tức mùng 1 âm lịch), thành phố Eindhoven (Hà Lan) sẽ tổ chức một trong những bữa tiệc nhạc điện tử lớn nhất châu Âu có tên Awakenings Eindhoven. Bữa tiệc đã bước sang năm thứ 8, với hơn 10 nghệ sĩ tham gia biểu diễn trên ba sân khấu khác nhau từ 22h đến 7h30 hôm sau. Bữa tiệc nằm trong khuôn khổ Lễ hội Awakenings, một lễ hội âm nhạc thường niên đã kéo dài 20 năm ở Amsterdam. Ảnh: Europebookings.
Tết Nguyên Đán chính là thời điểm thích hợp nhất để du lịch Chinatown. Chinatown ở thành phố San Francisco (Mỹ) là Chinatown lớn nhất nằm ngoài châu Á và lâu đời nhất tại Mỹ. Một loạt sự kiện lần lượt được tổ chức trong 15 ngày lễ hội, trong đó có cuộc diễu hành lớn gồm hơn 100 đoàn, kết hợp với những màn biểu diễn đặc sắc. Ảnh: CNN.
Công viên Địa Đàn là nơi tổ chức những bữa tiệc năm mới lớn nhất tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Bên cạnh đó, hội chợ hàng năm tại ngôi đền trong công viên sẽ đưa du khách trở lại thời xa xưa. Điểm nhấn của hội chợ là tiết mục tái hiện một buổi thiết triều thời nhà Thanh. Bên cạnh đó, hội chợ còn phục vụ những món ăn truyền thống như bánh bao hấp và các món hầm cay. Năm nay hội chợ sẽ diễn ra từ ngày 27/1 đến ngày 3/2.
Thành phố Sydney (Australia) là một trong những thành phố nước ngoài đông người Trung Quốc nhất. Những địa danh mang tính biểu tượng của thành phố như Nhà hát Opera Sydney, Cầu Cảng Sydney và Tòa thị chính sẽ được ánh đèn đỏ chiếu sáng trong dịp Tết. Những chiếc đèn lồng mang biểu tượng các con giáp được trang trí khắp thành phố. Ảnh: CNN.
Du khách có thể bắt đầu năm Đinh Dậu bằng việc thưởng thức một suất ăn ngon lành với giá chưa đến 2 USD tại tiệm cơm và mì gà sốt xì dầu Liao Fan Hong Kong ở Singapore. Cửa hàng nhỏ ven đường này đã thu hút sự chú ý trước cả khi nhận được một sao Michelin danh giá năm 2016. Tại Singapore, quảng trường Kreta Ayer và cuộc diễu hành Chingay ở Chinatown là những lựa chọn hàng đầu để đón Tết Nguyên Đán. Ảnh: CNN.
Với những người thích thưởng thức ẩm thực trong hai tuần nghỉ lễ, chợ đêm Nhiêu Hà ở Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) chính là địa điểm lý tưởng. Khu chợ dài 600 m, hai bên đường là các quầy thức ăn đường phố và những trò chơi dân gian. Ngoài bánh tiêu hay xiên hải sản, những người tới đây thường ăn lẩu cùng bạn bè và gia đình. Ảnh: CNN.
San Francisco có Chinatown lớn nhất nằm ngoài châu Á, nhưng thành phố London (Anh) mới là nơi có lễ hội mừng Tết Nguyên Đán lớn nhất. Lễ hội bắt đầu với cuộc diễu hành đầy màu sắc qua khắp các đường phố khu vực West End. Tiếp đó là những màn biểu diễn tại quảng trường Trafalgar như múa hát truyền thống, múa lân, biểu diễn võ thuật. Kết thúc chương trình tại Trafalgar là màn pháo hoa ngoạn mục. Ảnh: CNN.
Macau (Trung Quốc) nổi tiếng với hàng loạt sòng bạc, nhưng những năm gần đây đã được nâng cấp với các hoạt động vui chơi giải trí đa dạng dành cho nhiều đối tượng. Studio City là khu nghỉ dưỡng tích hợp mới nhất tại đây, cung cấp những dịch vụ mới lạ như lái xe mô phỏng Batman 4D, tham quan trung tâm giải trí rộng 40.000 m2 với chủ đề Warnor Bros… Ảnh: CNN.
Theo quan niệm, việc chuẩn bị trước Tết Nguyên Đán cũng quan trọng như những ngày tết. Vì thế, việc đi spa và tắm hơi, “làm mới” lại cơ thể là một lựa chọn hợp lý. Allas Sea Pool là một tổ hợp tắm hơi công cộng tại Phần Lan với tầm nhìn tuyệt đẹp ra thủ đô Helsinki. Du khách có thể ngâm mình trong hồ nước hướng về phía biển trước khi vào tắm hơi trong phòng. Ảnh: CNN.
Maggie Choo’s là một quán bar phong cách Thượng Hải giữa lòng thủ đô Bangkok (Thái Lan), địa điểm thích hợp để đón Tết Nguyên Đán. Quán nằm dưới tầng hầm khách sạn Novotel Bangkok Fenix Silom, cửa vào bằng gỗ, các phòng riêng biệt với ánh đèn mờ, gợi cảm giác bí ẩn và phong cách. Ảnh: CNN.
Nếu muốn phiêu lưu mạo hiểm ngay trong những ngày đầu của năm mới, hãy tới leo núi tại Công viên Quốc gia Los Glaciares thuộc vùng Patagonia, Argentina. Công viên nổi tiếng với phong cảnh ngoạn mục, bao gồm 47 sông băng và ba hồ lớn. Thời tiết tháng 1 và tháng 2 tại đây ấm hơn những thời điểm khác trong năm, tạo điều kiện lý tưởng để tham quan. Ảnh: CNN.
Công viên Disney tại thành phố Los Angeles (Mỹ) cũng được gợi ý cho dịp Tết Nguyên Đán. Tại công viên giải trí nổi tiếng nhất Los Angeles thời điểm này, các robot trong phim Tranformers sẽ chào du khách bằng tiếng Trung Quốc, chuột Mickey mặc trang phục Trung Quốc. Các nhân vật đến từ Trung Quốc như gấu trúc Po và hổ Tigress (phim Kung Fu Panda), Mộc Lan và Mushu (phim Mulan) cũng sẽ xuất hiện. Ảnh: Disney Parks.
Theo Ánh Ngọc/Zing News