Nhờ nét đẹp hoang sơ, hùng vĩ mà Phú Quý được nhiều người ưu ái ví von “tiểu Bali của Việt Nam”, “thiên đường Maldives phiên bản Việt”. Cùng khám phá xem bạn sẽ được trải nghiệm những điều tuyệt vời gì khi đến với Phú Quý nhé!
14 trải nghiệm nhất định phải thử khi du lịch đảo Phú Quý tự túc
1. Ngắm bình minh tại vịnh Triều Dương
Bãi Triều Dương chỉ cách cảng Phú Quý khoảng 1km, là điểm đến lý tưởng cho du khách phương xa đến cắm trại, tắm biển. Khách địa phương thì chọn nơi đây làm nơi để hóng gió biển mỗi chiều về.
Biển xanh, bờ cát trắng trải dài, dãy hàng dương xanh mát, phía xa xa là Hòn Tranh tạo nên một bức tranh phong cảnh đẹp hữu tình, có thể đón bình minh và ngắm hoàng hôn cực lãng mạn.
2. “Sống ảo” cung đường phượt
Là con đường nối từ vịnh Triều Dương đến cột cờ chủ quyền, được nhiều bạn trẻ gọi với cái tên dễ thương là “cung đường phượt” bởi con đường đi thơ mộng, một bên là núi, một bên là biển.
Sau khi đi qua một đoạn cua nhỏ bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác vừa leo lên một con dốc cao vừa chứng kiến một khung cảnh núi non – biển cả hùng vĩ khác hoàn toàn với sự thơ mộng của Vịnh Triều Dương ở phía sau lưng bạn.
3. Check-in cột cờ chủ quyền
Sau khi check-in cung đường phượt, bạn hãy tiến đến khám phá một địa điểm mới không thể bỏ qua: cột cờ chủ quyền. Đây là công trình được khởi công xây dựng vào tháng 6/2015. Phía dưới cột cờ là Bãi Nhỏ, bạn có thể để xe tại đây và đi bộ xuống Bãi Nhỏ tiếp tục hành trình check-in.
4. Hóng gió ở Bãi Nhỏ
Nằm kế bên cột cờ chủ quyền, đây là bãi cát hình lưỡi liềm với những mũi đá nhô ra biển với nhiều hình thù kỳ thú, có nhiều loại đá biển, vỏ sò trôi dạt vào bờ rất đẹp mắt. Tuy diện tích Bãi Nhỏ có phần “khiêm tốn” nhưng lại rất thoáng và yên tĩnh.
5. Khám phá Gành Hang
Kế bên Bãi Nhỏ là Gành Hang, là một vách đá lớn dựng đứng sát biển, từ phía trên nhìn xuống có thể thấy màu xanh trong veo của nước biển, nước trong đến mức bạn có thể nhìn thấy rạn đá bên dưới.
Đặc biệt, dù là địa hình đồi nhưng Gành Hang vẫn có một khu đất trống với các loại hoa dại tím “lịm sìm sim” trên nền cỏ xanh biếc, bạn có thể ngồi nghỉ ngơi và ngắm trọn khung cảnh hùng vĩ này.
6. Bơi ở hồ vô cực
Đây thực chất là một khe nước ở gần Gành Hang, cái tên này được các bạn trẻ và hướng dẫn viên tự đặt để miêu tả về sự “vi diệu” của nó. Giống hệt một bể bơi giữa biển khơi do thiên nhiên tạo nên, ở giữa là nước biển xanh biết được bao bọc bởi quần thể đá sinh động, hoang sơ.
Tuy nhiên, đường đi từ Gành Hang đến hồ vô cực khá khó đi do hình thù của các mỏm đá rất sắc bén và khúc khuỷu, bạn nên di chuyển thật cẩn thận hoặc nhờ người dân hướng dẫn sẽ dễ hơn.
7. Viếng thăm Mộ thầy
Toạ lạc ở một vị trí cao, thoáng đãng và hướng ra biển Mộ thầy mang một nét cổ kính, trang nghiêm. Đây cũng là địa điểm tín ngưỡng của người dân Phú Quý.
Đừng chỉ dừng lại ở Mộ thầy thôi nha, bạn hãy đi hướng ra biển phía sau cổng dinh mộ hoặc leo xuống dưới các mỏm đá hay đi bộ sang bên phải, bạn sẽ tìm thấy nhiều góc “sống ảo” sịn xò như: hồ nuôi tôm, mỏm đá nhô ra biển, quần thể đá cheo leo dưới bãi cát trắng,…
8. Leo núi Cao Cát, tham quan chùa Linh Sơn
Nằm trên ngọn núi Cao Cát – Một trong hai ngọn núi cao nhất đảo, được người dân ở đây xem như ngọn núi thiêng. Chùa Linh Sơn (hay còn được gọi là Chùa núi) có tuổi đời hơn 100 năm, đây không chỉ là địa điểm hành hương mà còn là nơi để chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt sắc, có thể thấy được gần hết quang cảnh đảo Phú Quý.
9. Hóng gió tại cảng Phú Quý
Là nơi đầu tiên bạn đặt chân đến khi du lịch đảo Phú Quý, tưởng chừng như là một khu cảng với những hoạt động kinh doanh, buôn bán bình thường. Nhưng nếu tinh ý bạn có thể “thu nhặt” được một vài tấm hình so deep với tàu thuyền đấy.
10. Ngắm phong điện
Được khánh thành vào đầu năm 2013, với 3 chiếc điện gió “siêu to, siêu khổng lồ” giữa một cánh đồng sát bờ biển. Nếu bạn chịu khó lang thang gần đó sẽ thấy được vài con đường mòn nhỏ đậm chất vintage, nhưng lưu ý đừng đi vào quá sâu, vì nếu quên đường ra thì bạn sẽ như bị lạc trong mê cung luôn đấy.
11. Lên ngọn hải đăng ngắm toàn cảnh Phú Quý
Ngọn hải đăng được xây dựng trên đỉnh Núi Cấm, thuộc địa phận xã Ngũ Phụng, đây là điểm cao nhất trên đảo với độ cao 108m so với mực nước biển. Bạn phải leo bậc thang xuyên núi rồi mới lên được ngọn hải đăng.
Như những hải đăng khác, hải đăng Núi Cấm có chức năng định vị để tàu thuyền nhận biết. Đứng từ trên hải đăng có thể nhìn toàn bộ Phú Quý và các vùng lân cận.
12. Ngắm hoàng hôn trên bờ kè Lăng Cô
Nằm ở phía sau Lăng Cô Mỹ Khê được xây dựng với mục đích chắn sóng, là nơi tàu thuyền neo đậu. Con đường bờ kè với những viên đá khổng lồ nhiều màu sắc là địa điểm không chỉ khách du lịch đảo Phú Quý mà giới trẻ địa phương rất yêu thích, đây cũng là toạ độ phù hợp để ngắm sao đêm.
13. Vãng cảnh chùa Linh Quang
Là một trong những ngôi chùa cổ nhất đảo, có diện tích rất lớn, lưu giữ nhiều hiện vật cổ cùng với những câu chuyện linh thiêng thú vị.
Điều khiến bạn ấn tượng nhất về ngôi chùa này chính là toà tháp 9 tầng cao 37m, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập là Bảo tháp Phật giáo trên đảo lớn nhất Việt Nam. Linh Quang tự toạ lạc tại vị trí khá đắc địa, nằm ở trung tâm huyện đảo, dễ dàng di chuyển đến các địa điểm tham quan khác.
14. Chiêm ngưỡng bộ xương cá voi ở Vạn An Thạnh
Với tuổi thọ hơn 200 tuổi, đây là nơi để thờ cúng thần Nam Hải cùng chư vị Tiền hiền đã có công khai mở xóm làng. Đồng thời cũng là nơi lưu giữ và trưng bày các bộ xương cá voi trong đó có bộ xương cá voi dài 17m. Khuôn viên rộng, nhiều cây xanh, qua bao năm tháng nơi đây vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ điển, mộc mạc đậm chất hoang sơ của một làng chài.
Vạn An Thạnh được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia hiện đang được UBND huyện Phú Quý bảo tồn và gìn giữ. Đây cũng là một điểm đến hấp dẫn du khách khi đến du lịch đảo Phú Quý.