18-01-2024 14:30

12 địa danh không thể không ghé khi đến du lịch Phú Yên

12 địa danh không thể không ghé khi đến du lịch Phú Yên

Sở hữu 3 mặt là núi, phía Bắc có dãy Cù Mông, phía Nam là dãy Đèo Cả, phía tây là mạn sườn đông của dãy Trường Sơn, và phía Đông giáp biển, Phú Yên là một vùng đất trù phú nằm ẩn mình giữa miền Trung nắng gió.

Đến đây, bạn có thể lướt qua 12 địa danh nổi tiếng mà iVIVU.com giới thiệu bên dưới nhé.

12-dia-danhkhong-the-khong-ghe-khi-du-lich-phu-yen-ivivu-1

1. Mũi Đại Lãnh – Bãi Môn: Mũi Đại Lãnh là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển, và do một tướng người Pháp tên Varella phát hiện ra, vì thế, trước đây, người ta gọi đó là Cap Varella. Mũi Đại Lãnh còn có tên gọi khác là Mũi Nạy, Mũi Ba, Mũi Điện. Mũi Điện được công nhận là cực đông của Việt Nam. Mũi Đại Lãnh có vị trí quan trọng đối với an ninh quốc phòng, và có ngọn hải đăng lớn chỉ đường cho tàu thuyền trong khu vực. Phía dưới mũi Điện là bãi Môn, một bãi tắm của người địa phương. Bãi Môn với bãi cát thoải và làn nước xanh biếc là bãi tắm hoang sơ, quyến rũ. Ảnh: Chánh

12-dia-danhkhong-the-khong-ghe-khi-du-lich-phu-yen-ivivu-2

2. Gành Đá Dĩa: Gành Đá Dĩa là một tập hợp các trụ đá hình lăng trụ xếp liền nhau, hòn nọ nối hòn kia kề với sóng nước. Bãi đá trải rộng san sát nhau chung màu đen huyền bí. Có trụ thẳng đứng, có trụ nghiêng vẹo nhưng vẫn chồng chất tầng tầng trông như chồng bát dĩa nên có tên gọi là Gành Đá Dĩa. Nhìn từ xa, Gành Đá trông giống một tổ ong thiên tạo khổng lồ vô cùng kỳ vĩ. Ảnh: Duy Đạt

12-dia-danhkhong-the-khong-ghe-khi-du-lich-phu-yen-ivivu-3

3. Vịnh Xuân Đài: Vịnh Xuân Đài là một vịnh nhỏ nằm dưới chân dốc Găng. Khi đi đường bộ lên đến đỉnh dốc Găng nằm trên quốc lộ 1A, bạn có thể nhìn thấy quang cảnh của vịnh này với rừng dừa bao bọc khu vực bờ của vịnh và vòng cung núi bao bọc khu vực vịnh Xuân Đài. Tất cả tạo nên một bức tranh sơn thủy hài hòa và thơ mộng. Trong vịnh có nhiều vũng biển và bãi tắm dẹp như Vũng La, Vũng Sứ, Vũng Chào… và nhiều đảo, bán đảo như cù lao Ông Xá, hòn Nhất Tự Sơn, mũi Đá Mài, mũi Tai Mã…. Ảnh: ipcphuyen

12-dia-danhkhong-the-khong-ghe-khi-du-lich-phu-yen-ivivu-4

4. Vịnh Vũng Rô – Di tích tàu không số: Vũng Rô là một vịnh nhỏ nhưng xinh đẹp thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, nằm ngay sát rìa dãy núi Đèo Cả. Vịnh là ranh giới tự nhiên trên biển giữa Phú Yên với Khánh Hòa. Ven bờ biển Vũng Rô có nhiều bãi cát vừa và nhỏ. Một số bãi đẹp như Bãi Chùa, Bãi Bàng, Bãi Lau. Vũng Rô xưa kia là 1 địa chỉ tiếp nhận vũ khí bí mật từ miền Bắc chuyển vào qua những chuyến tàu không số lịch sử. Từ năm 1964 đến năm 1965, Vũng Rô đã tiếp nhận 4 chuyến tàu cập bến an toàn, đưa được hàng ngàn tấn vũ khí đạn dược chi viện cho chiến trường Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên

12-dia-danhkhong-the-khong-ghe-khi-du-lich-phu-yen-ivivu-5

5. Đầm Ô Loan: Ô Loan là tên một đầm ở Phú Yên, đây là một thắng cảnh cấp quốc gia của Việt Nam, một danh lam tiêu biểu của tỉnh. Đầm Ô Loan là một đầm nước lợ nằm về phía Đông ven quốc lộ 1A, dưới chân đèo Quán Cau. Đầm nằm về phía Nam thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú yên. Sông Cái và một số sông nhỏ cấp nước ngọt cho đầm. Một lạch nhỏ nối đầm với biển. Bao bọc quanh đầm là núi Đồng Cháy, núi Cẩm và cồn An Hải. Ảnh: ipcphuyen

12-dia-danhkhong-the-khong-ghe-khi-du-lich-phu-yen-ivivu-6

6. Núi Đá Bia: Núi nổi tiếng vì tảng đá bia khổng lồ cao khoảng 80 m trên đỉnh núi mà cách xa vẫn có thể nhìn thấy. Tương truyền vào năm 1471, khi thân chinh cầm quân tấn công Chămpa, Lê Thánh Tông dừng tại chân núi, cho quân lính trèo lên khắc tên, ghi rõ cương vực Đại Việt (Việt Nam ngày nay) tại nơi này. Vì thế, núi được gọi là núi Đá Bia. Núi Đá Bia, tên chữ là Thạch Bi Sơn, dân gian gọi là Núi Ông, là ngọn núi cao nhất trong khối núi Đại Lãnh thuộc dãy núi Đèo Cả. Ảnh: Chánh

12-dia-danhkhong-the-khong-ghe-khi-du-lich-phu-yen-ivivu-7

7. Núi Nhạn: Trước đây, trên núi Nhạn có rất nhiều cây cối rậm rạp, đặc biệt là mai rừng; có nhiều loài chim như Nhạn (vì thế có tên núi Nhạn), cò và rất nhiều khỉ (nên núi còn được gọi là núi Khỉ). Sau, khoảng năm 1961, vì nhu cầu quân sự, cây cối bị đốn chặt để xây dựng đồn bốt, nên khỉ và chim cũng dần bỏ đi nơi khác. Ngày nay, đứng trên đỉnh núi Nhạn, người ta có thể thấy bao quát một vùng non nước Phú Yên với toàn cảnh thành phố Tuy Hòa, làng hoa Bình Ngọc, núi Đá Bia, biển Đông và hai chiếc cầu đường sắt và đường bộ dài 1.100 m bắt song song qua sông Đà Rằng. Ảnh: travelzizi

12-dia-danhkhong-the-khong-ghe-khi-du-lich-phu-yen-ivivu-8

8. Đèo Cả: Đèo Cả là một trong những đèo lớn và hiểm trở tại miền Trung Việt Nam. Tên “Đèo Cả” có khi Pháp đang xây Quốc lộ 1A. Hiện đang có kế hoạch xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả để việc đi lại trên quốc lộ 1A không còn phải vượt qua đường đèo hiểm trở này. Thời tiết ở đây nhiều mưa và nhiều mây, tạo ra nhiều thực vật đặt biệt. Trước kia, khu này là một nơi sản xuất trầm hương và kỳ nam nổi tiếng. Nay vẫn còn nhiều cây quý mọc tại đây như cẩm, thị, sao, chò, dầu, kiền kiền, và đát. Cây đát được dùng trong món chè trái cây nổi tiếng ở Nha Trang. Ảnh: Tống Phước Hiệp

12-dia-danhkhong-the-khong-ghe-khi-du-lich-phu-yen-ivivu-9

9. Đập Đồng Cam: Đập Đồng Cam là công trình thủy lợi lớn nhất tại tỉnh Phú Yên, Việt Nam. Công trình này do một kỹ sư người Pháp thiết kế với công sức của hàng vạn lao phu, công nhân địa phương và cả xương máu của hơn 50 người dân Phú yên. Đập nằm phía tây huyện Phú Hòa, đập nước dài 688 mét với hơn 2500 hạng mục lớn nhỏ, có hai kênh dẫn nước là kênh Chính Bắc và Nam tưới tiêu cho cả vùng lúa Tuy Hòa rộng 220 km². Đồng Cam là công trình có giá trị thẩm mỹ lẫn kỹ thuật rất cao. Đập có ý nghĩa về mặt kinh tế, lịch sử cộng với cảnh quan tươi đẹp, kiến trúc độc đáo. Hàng năm vào mùng 8 Tết Nguyên Đán có lễ hội nhằm tri ân những người đã xây dựng nên đập, thu hút rất đông du khách gần xa đến tham quan, du ngoạn xuân. Ảnh: Dân trí

12-dia-danhkhong-the-khong-ghe-khi-du-lich-phu-yen-ivivu-10

10. Biển Long Thủy: Biển Long Thủy nổi tiếng là một bãi biển đẹp, với sự kết hợp hài hòa mà độc đáo của phong cảnh thiên nhiên, bên những rặng dừa rợp bóng lướt dài trên những bãi cát mịn của bờ biển. Biển Long Thủy – Hòn chùa cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 10km đường ô tô, đi về phía hường bắc. Nằm kề quốc lộ 1A, thuộc địa phận của Xã Phú An, thành phố Tuy Hòa. Từ lâu, bãi biển Long Thủy nổi tiếng là một bãi biển đẹp, cùng với sự kết hợp hài hòa mà độc đáo của phong cảnh thiên nhiên, bên cạnh những rặng dừa rợp bóng lướt dài trên những bãi cát mịn của bờ biển. Ảnh: ipcphuyen

12-dia-danhkhong-the-khong-ghe-khi-du-lich-phu-yen-ivivu-11

11. Bãi Xép: Không chỉ có bãi cát vàng óng như mật, Bãi Xép còn có hai mũi đá lớn nhô ra biển bọc hai đầu bãi khiến những con sóng xô vào tung bọt trắng trời. Và rồi du khách sẽ ngỡ ngàng khẽ đặt từng bước chân trần lên cát, ngỡ như mình đi tìm lại dấu chân người trong chốn địa đàng hoang sơ. Bãi Xép chỉ dài khoảng 500m, đẹp hoang dã với hai bãi đá đen bao bọc hai đầu bãi biển. Bãi đá đen bên trái nhấp nhô trông như một rặng núi đá nhỏ, chân đá chạy lô xô ra biển, vừa tạo thành chỗ ngồi kín gió ngắm cảnh biển hữu tình, vừa là điểm nhấn ấn tượng cho Bãi Xép và là nơi các đôi tình nhân ghi lại những giờ phút hạnh phúc lãng mạn bên nhau. Ảnh: Huỳnh Lê Viễn Duy

12-dia-danhkhong-the-khong-ghe-khi-du-lich-phu-yen-ivivu-12

12. Sông Đà Rằng: Sông dài 374 km, chảy qua tỉnh Kon Tum, Gia Lai, chuyển sang hướng Tây Bắc-Đông Nam qua huyện Krông Pa (Gia Lai) rồi đi vào địa phận Phú Yên theo hướng Tây-Đông làm thành ranh giới tự nhiên giữa Sơn Hòa và Sông Hinh, giữa Sơn Hòa và Tây Hòa, giữa Tây Hòa và Phú Hòa, giữa Tây Hòa và thành phố Tuy Hòa rồi đổ ra biển Đông ở cửa biển Đà Diễn, phía Nam thành phó Tuy Hòa. Dọc theo sông Đà Rằng có nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử. Cầu Đà Rằng qua sông này tại Tuy Hòa dài 1.512 m là cầu dài nhất miền Trung Việt Nam. Vùng hạ lưu sông Đà Rằng từ nhiều nghìn năm trước đã có nhiều bộ tộc cư ngụ. Di tích của các nền văn minh đồ đá từng tồn tại nơi đây vẫn còn được lưu giữ, điển hình là chiếc đàn đá Tuy An. Ảnh: Nguyễn Đông Sơn.

Theo Traveltimes.vn

Đánh giá