18-01-2024 11:21

10 món bánh dân dã nhưng không thể thiếu trong ngày Tết của miền Trung

10 món bánh dân dã nhưng không thể thiếu trong ngày Tết của miền Trung

Bên cạnh bánh Tết, thịt, chả, trong dịp Tết, người dân miền Trung còn có rất nhiều món bánh cổ truyền ngon mắt, ngon miệng.

10 món bánh cổ truyền nhưng không thể thiếu trong ngày Tết của miền Trung

1. Bánh tổ

Bánh tổ – cái tên khiến người ta nghĩ đến sự thờ cúng ông bà tổ tiên – là món bánh đặc trưng của người dân xứ Quảng. Bánh là sự kết hợp tinh tế giữa gạo nếp, đường đen, gừng tươi và hạt mè (vừng). Phần khuôn đan bằng tre, lá chuối được rửa sạch, cắt ra cẩn thận lót vào khuôn, bánh được gói kỹ và dùng tăm tre ghim kín các mép lá.

10-mon-banh-dan-da-nhung-khong-the-thieu-trong-ngay-tet-cua-mien-trung-ivivu-1

Khi ăn, người ta có thể xắt thành từng miếng dùng ngay hoặc nướng trên bếp than, chiên với dầu cũng rất dậy mùi thơm. Bánh được làm vào dịp Tết và sử dụng xuyên suốt cả mùa xuân.

2. Bánh tét

Giống như ngoài Bắc, bánh tét miền Trung có phần vỏ săn chắc, nhân đậu xanh (nếu gói chay) và có thêm thịt lợn (nếu gói mặn). Bánh có hình trụ dài, khi cắt khoanh bánh tròn, đều và đẹp.

10-mon-banh-dan-da-nhung-khong-the-thieu-trong-ngay-tet-cua-mien-trung-ivivu-2

Một cặp bánh tét trang trọng bày trên bàn thờ, những miếng bánh tét ngon lành kèm dưa món để đãi khách là không thể thiếu được trong cái Tết nơi đây. Sau Tết, những đòn bánh tét còn thừa được chiên giòn lên, món ăn giản dị mà rất ngon lành.

3. Bánh lăn

Là một món ăn dân dã, rẻ tiền, bánh lăn từ lâu đã trở nên quen thuộc với các gia đình miền Trung mỗi dịp Tết đến xuân về. Thành phần chính là nếp thơm dẻo được chọn lựa từ mùa trước, thêm vào rất nhiều nguyên liệu như cà chua, quất, cà rốt, bí đao, chuối, gừng và vài ba lát dứa… Tất cả được xắt mỏng, rim với đường nhỏ lửa cho đến khi hỗn hợp mứt đặc lại.

10-mon-banh-dan-da-nhung-khong-the-thieu-trong-ngay-tet-cua-mien-trung-ivivu-3

Phần nếp được rang kỹ, xay hoặc giã mịn thành bột, sau đó trộn đều với nước đường cho đến khi dẻo lại. Bột nếp và mứt hòa vào nhau nén thành khối trụ tròn dài, khi ăn cắt thành từng khoanh nhỏ trông khá nhiều màu sắc.

4. Bánh nổ

Với người dân Quảng Ngãi, bánh nổ không chỉ xuất hiện trong các dịp lễ Tết mà còn là đặc sản nổi tiếng bên cạnh đường phèn. Bánh làm từ thóc nếp rang trên than hồng tạo nên những tiếng nổ vui tai, có thể tên gọi của nó cũng xuất phát từ quá trình làm bánh.

10-mon-banh-dan-da-nhung-khong-the-thieu-trong-ngay-tet-cua-mien-trung-ivivu-4

Những hạt nếp nổ bung, trắng ngần đẹp mắt được ép vào khung gỗ sẵn có hình chữ nhật. Người ta thắng đường (sên) thành keo, cho thêm ít gừng rồi bôi xung quanh bánh. Vì thế bánh có vị thơm của nếp, của gừng, cộng với sự ngọt thanh của đường, lại giòn tan trong miệng tạo sự thú vị khi ăn.

5. Bánh thuẫn

Bánh thuẫn là món bánh truyền thống của các tỉnh thành vùng duyên hải nước ta. Một món bánh đơn giản làm từ bột bình tinh (có nơi thay bằng bột mì), bột năng, trứng gà, ít đường, vani và dầu ăn nhưng lại tạo nên mùi thơm nức mũi khách qua đường.

10-mon-banh-dan-da-nhung-khong-the-thieu-trong-ngay-tet-cua-mien-trung-ivivu-5

Bánh thuẫn được làm bài bản đúng cách sẽ có màu vàng ươm, bung nở như những cánh hoa. Bánh cầm khá nặng tay, ăn có vị ngậy vừa đủ, xốp mềm, không quá ngọt như các loại bánh mứt dịp Tết nên có thể ăn liền tù tì mà không cảm thấy ngán.

6. Bánh in

Là món bánh quen thuộc đối với người miền Trung khi thờ cúng ông bà mỗi dịp lễ Tết, bánh in hiện nay tuy đã có thêm rất nhiều hương vị mới cũng như kiểu dáng phong phú hơn, nhưng về cơ bản vẫn giữ được nét truyền thống với nguyên liệu chính từ bột nếp.

10-mon-banh-dan-da-nhung-khong-the-thieu-trong-ngay-tet-cua-mien-trung-ivivu-6

Để làm nên chiếc bánh in trắng trẻo ngọt thơm, người ta thêm vào ít lá dứa, nước hoa bưởi và cốt chanh – những thứ mang đậm chân quê hồn Việt. Bột sau khi được chế biến thì cho vào khuôn ép, tạo nên hình khối vuông tròn với các họa tiết như con cá, bông hoa, rồng phượng,… sắc sảo, đẹp mắt.

7. Bánh su sê

Bánh su sê (xu xê, phu thê) không chỉ được người miền Trung dùng trong dịp cưới hỏi mà còn sử dụng rộng rãi vào mỗi dịp Tết cổ truyền. Bánh được làm từ bột nếp, nhân đậu xanh, dừa sợi, có nơi thêm lạc hoặc hạt sen. Các nguyên liệu kết dính với nhau, gói bằng lá chuối (hoặc lá dừa), khi ăn có vị dai dai, sần sật và độ ngọt vừa đủ.

10-mon-banh-dan-da-nhung-khong-the-thieu-trong-ngay-tet-cua-mien-trung-ivivu-7

Bánh su sê có nhiều màu, trắng ngà, vàng, xanh lá dứa hoặc đỏ, tùy vào nguyên liệu tự nhiên mà người làm bánh thêm vào để bánh có được sự hấp dẫn, bắt mắt hơn.

8. Bánh ít lá gai

Bánh ít lá gai là đặc sản của đất võ Bình Định, về sau lan rộng và nổi tiếng trong văn hóa ẩm thực miền Trung. Dù đi đâu xa, người con xứ sở vẫn không quên dáng hình những chiếc bánh tựa như tháp Chàm cổ kính.

10-mon-banh-dan-da-nhung-khong-the-thieu-trong-ngay-tet-cua-mien-trung-ivivu-8

Để làm bánh ít lá gai ngon phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là tìm lá gai, lá hơi sần, xốp, khô khô, rửa sạch, luộc chín, để ráo rồi đem vào cối giã thật nhuyễn, nếu chưa nhuyễn thì bánh sẽ không mịn màng. Nếp dùng là nếp mới, thơm, dẻo vừa, trộn với đường đen. Nhân bánh gồm đậu xanh, dừa, đường, thêm quế và vani để tạo mùi hương. Bánh ít được bao bọc bởi những lớp lá chuối sạch sẽ rồi hấp cách thủy. Khi ăn chỉ cần bóc nhẹ lớp lá chuối xanh là hiện ra lớp da bánh ít màu đen bóng đầy hấp dẫn.

9. Bánh đậu xanh

Bánh đậu xanh là món bánh ghi đậm dấu ấn của mảnh đất quê hương, khiến người con Phố Hội mỗi khi xa quê đều luôn nhớ về. Bột làm bánh đậu xanh Hội An được làm từ loại đậu xanh hạt nhỏ ruột vàng, ngào với nước đường với tỉ lệ vừa đủ để bột không quá khô hay quá nhão.

10-mon-banh-dan-da-nhung-khong-the-thieu-trong-ngay-tet-cua-mien-trung-ivivu-9

Phần nhân bánh được thêm vào ít mỡ heo, gia vị đường, muối,… cho vào khuôn nén chặt, khi nướng chín có mùi thơm cực kỳ hấp dẫn. Trong tiết trời se lạnh của những ngày đầu năm, ngồi thưởng thức bánh đậu xanh nướng bên những tách trà nóng cùng hàn huyên tâm sự với khách đến thăm nhà thì thật không còn gì thú vị, tao nhã bằng.

10. Bánh măng

Ở cố đô Huế, trên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình vào dịp Tết Nguyên Đán đều có sự hiện diện của bánh măng. Đây là loại bánh có hình vuông, gói bằng giấy màu bóng kính trong suốt. Tuy nguyên liệu tạo thành đơn giản, rẻ tiền, dễ kiếm nhưng công đoạn thực hiện rất công phu, như người ta vẫn ca ngợi sự tỉ mỉ trong văn hóa ẩm thực xứ Huế.

10-mon-banh-dan-da-nhung-khong-the-thieu-trong-ngay-tet-cua-mien-trung-ivivu-10

Bánh măng ngọt ngào làm bằng nếp, hòa quyện trong lớp bột mịn màng ấy là những sợi măng vừa giòn lại vừa mềm, tạo vị rất đặc trưng khó có thể lẫn nhầm với các loại bánh truyền thống khác.

Theo Trí Thức Trẻ

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan