Đây là bài cuối trong loạt bài “10 điều chỉ có người Hà Nội ở lâu mới biết” của iVIVU. Bạn sẽ cùng iVIVU dạo qua 10 điểm đến xưa thật là xưa ở Hà Nội – của tác giả Hoang Thu. Một thoáng hoài niệm, một chút bâng khuâng, càng thêm trân trọng những giá trị văn hóa, tâm hồn của người Hà Nội xưa và nay!
1. Chùa Láng
Ngôi chùa cổ kính hình như được xếp trong top các ngôi chùa cổ kính nhất Hà Nội. Chùa Láng (trong Hà Nội ngày xưa) nằm giữa một cánh đồng, có một con đường đất chạy ngang qua. Từ cổng chính vào tới chùa phải đi qua 3 lớp cửa và một con đường dài thật dài. Đây là chỗ bọn sinh viên các trường ở gần đó vào học mỗi mùa thi. Thỉnh thoảng còn gặp một số bạn trường kiến trúc vào vẽ các mái tam quan. Sau chùa có một khu mộ của các sư từ ngày xưa. Thích nhất là những buổi chiều khi hoàng hôn xuống, gió mát trong lành, đôi khi còn được làm thử nông dân khi giúp các bác trong làng rau thơm nổi tiếng Hà thành tưới rau (làng Láng nổi tiếng với rau húng Láng).
2. Ngắm mặt trời lặn ở Hồ Tây (quận Tây Hồ)
Chính xác chỗ nào thì tớ chịu, chỉ nhớ là chỗ đó có rất nhiều tre (không biết giờ còn không). Đây cũng là một chỗ thường được tớ lấy ra làm ví dụ cho sự lãng mạn.
Danh sách khách sạn Hà Nội tại quận Tây Hồ
3. Đạp xe đạp những ngày đông có mưa phùn nhẹ
Mưa chẳng đủ ướt áo, chỉ va nhẹ vào mặt và cái rét cứ ngọt ngào thấm đẫm. Chả kể là đường phố nào, cứ khung cảnh ấy, những hạt nước li ti gợi nhớ tới những đêm giao thừa và mùa xuân đã gần kề
4. Quán sinh tố trên đường Nguyễn Trung Trực
Hà Nội của mưới mấy năm về trước, sinh tố là một cái gì đó thật mới mẻ và khác biệt, biết đến từ đám bạn Sài Gòn. Chỉ ở cái quán đó mới có sinh tố sầu riêng, lại một góc nhỏ Sài Gòn trong lòng Hà Nội. Cuối tuần, cả đám xách xe đạp chạy từ Nguyễn Chí Thanh lên gần khu bờ Hồ, và quán sinh tố luôn luôn là chỗ phải đi. Ngồi trên tầng, nhìn con phố nhỏ xíu của Hà Nội, xa xa là hồ Trúc Bạch.
5. Chạy xe trên đường hồ vòng quanh hồ Trúc Bạch
Thường kết thúc chuyến ăn chơi xa xỉ cuối tuần là mấy vòng xe quanh Hồ Trúc Bạch, con đường có những hàng liễu rủ xanh mướt. Mỏi chân ghé nghỉ cạnh hồ tán phét đủ chuyện trên đời và nhìn lũ cá nhỏ trong hồ thi nhau nhảy sóng.
6. Chợ hoa Quảng Bá
Muốn đi chợ sẽ phải dậy rất sớm từ 3, 4 h sáng. Những ngày mùa đông, lấy đủ cam đảm để khước từ chăn ấm nệm êm sáng sớm tinh mơ chạy trên con đường được ví như một sợi chỉ, với ánh đèn vàng ấm áp, cái lạnh tê tái và sương sớm mịt mờ hai bên. Từ xa nhìn thấy ánh đèn lấp lóa và chao ôi bạt ngàn là hoa. Hồi ấy chỉ 10 ngàn, 20 ngàn sẽ được những 100 bông hồng vừa được cắt từ vườn vẫn còn rỉ nhựa nơi đầu cành. Những khuôn mặt của người bán, người mua bừng lên với sắc hoa buổi sáng. Hỉ hả ôm những đóa hoa mua với giá hời, theo những xe hoa bán rong ta về lại phố.
7. Làng lụa Vạn Phúc
Đạp xe 20 cây số hồi đó thấy nhẹ như không. Bây giờ đi xe máy, bảo chạy quãng đường xa như thế thể nào cũng nhăn nhó rồi lấy cớ lười cho coi. Đây là chỗ dẫn bạn phương xa đi mua quà Hà Nội.
8. Những hiệu sách lề đường Đinh Lễ
Sách từ trong nhà tràn ra hết vỉa hè của phố. Đôi lúc còn luồn vào những con hẻm một người đi leo lên những bậc cầu thang nhỏ xíu lên lầu kiếm sách. Sách giảm giá từ 30-50% nên không thể nào bỏ qua. Bây giờ mỗi lần ra Hà Nội cũng phải ráng ghé mua sách về làm quà.
9. Kem Tràng Tiền
Tìm lại cảm giác chen chúc mua được que kem bở hơi tai, xong ra cười hỉ hả như nông dân được mùa. Chỉ Hà Nội và chỉ kem Tràng Tiền ăn đúng chỗ đó mới ngon. Mùa đông tìm cảm giác buốt răng lạnh từ trong ra ngoài cũng chỉ tìm tới đó.
10. Ăn bún đậu mắm tôm ngõ Phất Lộc
Mê ăn món này vì nhiều thứ, ở Sài Gòn không thể có vì thiếu cái này. Lâu lắm rồi mới thấy lại một rổ đựng những lát bún lá – thứ mà vô cùng khó kiếm ở Sài Gòn. Nghĩa là lúc làm bún, cũng vẫn sợi bún đó thôi, người ta đổ khoanh lại thành một cái bánh tròn tròn cỡ bằng bàn tay. Trên một cái rổ lớn lót lá chuối, để từng lát bún lên. Đầy một lượt lại để một lớp lá chuối nữa. Bún nóng hổi thơm phức, cầm lá bún lên chấm nước mắm cắn ăn không cũng thấy ngon rồi.