Ngay dưới chân núi Côn Sơn, dưới rừng thông mênh mông là một cánh đồng cây rễ bạt ngàn. Một màu xanh mướt hút mắt, lốm đốm nụ hoa trắng li ti cùng mùi hương ngai ngái tạo nên vẻ đẹp yên bình cho vùng quê Bắc bộ.
Mênh mông cánh đồng hoa rễ Hải Dương
Cách Hà Nội khoảng 70km, nằm dưới chân núi Côn Sơn, cách khu di tích Côn Sơn, thị xã Chí Linh, Hải Dương chỉ hơn 1km, cánh đồng rễ mênh mông đang vào mùa thu hoạch.
Những cành rễ xanh mướt, dập dìu trong gió, khiến ai cũng muốn tháo bỏ giày dép và được lướt trên cái làn sóng đẹp ngất ngây ấy. Đứng trên đường nhìn những gốc cây trơ trụi lại sau thu hoạch vẫn toát lên cái vẻ đẹp mộc mạc và nên thơ.
Hỏi người dân Chí Linh, không ai là không biết đến cây rễ. Thậm chí còn có thể kể rành mạch truyền thuyết về nguồn gốc của cây.
Cây rễ còn có tên là cây thanh hao. Người dân gọi với cái tên dân dã cây rễ vì sau khi thu hoạch về, cây rễ sẽ được phơi khô được dùng làm chổi rễ mà người dân hay dùng quét ruông thóc (tức những hạt lép, những lá lúa, tước có lẫn vào thóc), xi măng…
Mùi dễ chịu, nên cây rễ còn được dùng làm thuốc chữa bệnh. Người bị đau bụng có thể đốt chổi rễ để ngửi cái hương là khỏi được bệnh.
Cây rễ được trồng lâu lắm rồi, vài trăm năm rồi ấy, từ cái thời “ông trồng thông, bà cấy rễ”, một người bán hàng ở khu di tích Côn Sơn bảo. Còn tương truyền, đó là thời tư đồ Trần Nguyên Đán lui về ở ẩn, ông trồng thông trên núi Côn Sơn, còn vợ ông thì kiên trì cấy rễ dưới chân núi.
Giờ thông và rễ là hai thứ cây quen thuộc, thứ cây điển hình của vùng đất Chí Linh địa linh nhân kiệt, và câu nói “ông trồng thông, bà cấy rễ” đã trở thành câu nói cửa miệng của người dân nơi đây.
Những gốc rễ được trồng từ lâu đời, năm này qua năm khác, người dân chỉ cắt đi những cành rễ về làm chổi, còn cái gốc cứ trơ cùng thời gian. Lớp lá kim rụng xuống cũng tạo thành lớp đất mùn dày.
Cây rễ không cao, chỉ ngang ngang cây lúa, chừng 0,5 – 1m. Lá cây nhỏ như cây kim, dài chưa đến 1cm, mọc thành từng cành xếp tròn quanh cành cây. Cành có màu nâu sậm, cành càng to, càng già, màu càng sậm hơn, những cành non thì có màu vàng, chỉ hơi ngả màu nâu.
Hoa rễ màu trắng, mọc ra từ kẽ lá, đài hoa màu xanh khá to so với bông. Khi già, hoa rụng, còn trơ lại đài hoa ngả dần sang màu nâu đất, mới nhìn như quả của cây.
Đặc biệt là mùi hương của cây, một mùi ngai ngái đặc trưng, thơm nhẹ, thoang thoảng. Đi trên đường, bất chợt có cơn gió cũng cảm nhận được hương thơm thoang thoảng mà thanh thanh của cây rễ.
Đi ở đường làng, vào mùa vụ, sẽ thấy sân nhà được phơi la liệt cây rễ. Sau khi phơi qua mấy nắng cho khô cong, thì bắt đầu đập cho sạch lá, bó lại và đem đi cân.
Cô H, một người nông dân cắt rễ thuê, cho hay cây rễ “cắt rồi bán hết cho công ty xi măng, họ dùng để quét”. Giá khoảng 5.000 đồng/kg. Cô cũng cho biết cắt rễ không dễ như cắt lúa, vì thân nó dai hơn lúa nhiều.
“Chứ dễ như lúa thì đã không mệt. Không tốn công thì cây đã không giá trị như thế này”, cô nói.
Đang vào mùa thu hoạch, những cánh đồng rễ lác đác bóng người đi cắt rễ. Rễ thường được thu hoạch vào khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11. Bởi mùa hanh, phơi rễ nhanh khô. Và khi cắt rễ xong, thì cũng chuẩn bị đợt mưa xuân, rễ mọc lại rất nhanh.
Tháng 6 cũng có khi dân cũng đi cắt rễ. Nhưng đó chỉ là tỉa bớt, không phải mùa thu hoạch chính.
Những cánh đồng rễ nên thơ, bình dị và mộc mạc nên khá hút khách tới chụp ảnh. Ngày nào cũng có người tới chụp. Có những khách thập phương từ xa lặn lội tới chỉ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp bình dị nơi đây.
Rất nhiều đôi chụp ảnh cưới cũng lựa chọn cánh đồng thơ mộng này. Tuy nhiên, vì nhiều người chụp ảnh làm nát cây nên người dân ở đây phải canh giữ cẩn thận. Các bạn trẻ muốn chụp hình nên đứng trên bờ ruộng, có xuống đồng cũng nên nhẹ nhàng, không khéo giẫm vào cây.
Theo Phương Huệ/Tuổi Trẻ