“Trên đường du lịch em gặp được vô số người tốt. Có những người tốt tới mức không tin nổi nhưng mà giờ thì em tin rồi” – Minh Sơn chia sẻ.
Đặng Ngọc Minh Sơn là một bạn trẻ yêu thích du lịch khám phá. Đối với Sơn phải có thời gian tính theo tháng khi lưu trú tại một quốc gia nào đó để có thể hiểu hơn về văn hóa, con người, lối suy nghĩ,… thì mới thú vị.
Tôi gặp Sơn khi bạn tới sớm hơn giờ hẹn và đã ngồi đó đợi sẵn. Mất một khoảng thời gian Sơn và tôi mới nhận ra nhau vì cả hai đều chưa biết mặt. Thông tin tôi biết về bạn trẻ này không nhiều, ngoài việc biết bạn đã đi phượt từ Bắc vào Nam.
PV: Chào Sơn! Em có thể giới thiệu cho mọi người biết chút ít thông tin về mình được không?
Em họ tên đầy đủ là Đặng Ngọc Minh Sơn, sinh năm 1991. Quê gốc ở Thái Bình nhưng gia đình sinh sống ở Lạng Sơn. Em có sở thích là du lịch, đọc sách và học ngoại ngữ. Câu nói em thích nhất là của Theodore Roosevelt (Tổng thống thứ 26 của Hoa Kỳ):
“Làm điều bạn có thể với những gì bạn có, ở bất cứ nơi đâu”.
PV: Anh có nghe mọi người bàn tán về chuyến hành trình từ Bắc vào Nam của em. Hình như chuyến đi này chỉ có hai người, đây có phải chuyến đi em dự trù từ trước?
Thực ra em ấp ủ chuyến đi này từ cuối năm ngoái khi đang làm thực tập sinh cho một công ty của Ấn Độ. Em đã đi qua hai nước ở châu Á và tới thăm khá nhiều địa điểm, nơi nào cũng có vẻ đẹp riêng. Rồi bỗng dưng em nhận ra là mình biết về 2 nước đó có khi còn nhiều hơn cả Việt Nam. Thế là với quyết tâm, dân du lịch mà không biết về đất nước của mình thì khi đi khám phá nước bạn, có ai hỏi em cũng chẳng thể nói được nơi mình ở có gì hay, nơi đâu đẹp, món ăn nào khó quên,… hẳn sẽ rất quê.
Điều đó thôi thúc em lên kế hoạch làm một chuyến xuyên Việt khi trở về nước. Lúc ý tưởng nhen nhóm, thì cũng là lúc em nhớ ra đứa bạn thân học Bách Khoa tên Đệ, đang làm đồ án tốt nghiệp. Nghĩ là Đệ cũng thích khám phá Việt Nam như mình nên em rủ Đệ cùng thực hiện chuyến đi này. Khi em về nước vào tháng 4 vừa rồi thì hai thằng hẹn gặp nhau và cùng lên kế hoạch và dự tính chi phí cho chuyến đi.
PV: Hiện tại người bạn đồng hành của em đang ở đâu và làm gì?
Sau khi hoàn thành chuyến đi thì Đệ đã trở lại Hà Nội để tìm việc và đang trong quá trình tuyển dụng của một vài công ty viễn thông. Em mong là nó tìm được công việc như mong đợi không thì em lại bị mắng là “làm hư bạn” (cười).
PV: Anh nghe nói em đã gặp được rất nhiều người tốt bụng dọc đường, em có thể chia sẻ kỷ niệm về họ?
Trên đường du lịch em gặp được vô số người tốt. Có những người tốt tới mức không tin nổi nhưng mà giờ thì em tin rồi (cười).
Chẳng hạn, như chúng em gặp một bác người Phan Rang ở ga Nha Trang. Bác nói là khi nào tới Phan Rang thì gọi để bác dẫn đi tham quan. Hôm sau tụi em tới Phan Rang và liên lạc, bác đã dành cả buổi tối Trung Thu dẫn hai đứa đi chơi đồi cát Nam Cương, ăn đặc sản Phan Rang và thậm chí còn trả luôn tiền phòng khách sạn cho cả hai. Dù tất cả chỉ xuất phát từ 10 phút nói chuyện ở ga tàu lửa.
Một lần khác bọn em vẫy xe quá giang giữa trưa nắng. Anh cảnh sát giao thông đang đứng chốt thương tình, khi nghe ý định của tụi em là ra Trường Sơn Đông nên vẫy xe giùm nhưng cuối cùng vẫn không bắt được chuyến nào. Vậy là anh bảo hai đứa em lên xe chở ra hàng ăn cách đó khá xa để ăn trưa và nghỉ ngơi. Sau lần đó em cảm thấy “thân thiện” hơn rất nhiều với cảnh sát giao thông.
PV: Chặng đường nào đối với em là “khó nhằn” nhất?
Ban đầu em định đi bộ từ Bắc vào Nam nhưng quả thật có đi đường mình mới biết hết cái khổ của nó. Nhất là chặng đi bộ ở Quảng Bình, sức nóng của thời tiết nơi đây khiến em và thằng bạn phải chịu bỏ cuộc nhanh chóng, rồi phải tìm xe khách để di chuyển tiếp.
Em còn gặp một chặng khá “xương” là phải vác hơn 10kg hành lý chinh phục đèo Hải Vân (đi bộ). Mặc dù rất mệt nhưng buổi tối em và thằng bạn vẫn tiếp tục đi vi vu khám phá khắp nơi dù lúc về ngủ thì chân nhức kinh khủng.
PV: Vậy trong hành lý của em có trang bị những vật dụng gì cho chuyến hành trình dài hơi như vậy?
Em mang theo 3 bộ quần áo, thuốc men, lương khô đề phòng giữa đường bị đói. Rồi thì đèn pin, dao Thụy Sĩ, áo mưa và một cái lều cá nhân (mặc dù chẳng mấy khi dùng). Ngoài ra, là một ít tiền mặt, thẻ ATM và bút giấy để ghi nhật kí hành trình.
PV: Chuyến phiêu lưu này khiến em mất bao nhiêu thời gian và chi phí?
Chi phí cho chuyến đi tốn khoảng 12 triệu cho cả hai đứa, và tụi em mất gần một tháng rưỡi để hoàn thành chuyến hành trình này.
PV: Nơi đâu trong chặng hành trình xuyên Việt khiến em ấn tượng nhất?
Em nghĩ là nơi đâu cũng để lại dấu ấn sâu đậm nhưng ấn tượng nhất là chuyến du lịch Đà Nẵng. Tụi em ở lại Đà Nẵng đến 4 ngày và trong 4 ngày ấy đã cảm nhận được không khí của một thành phố trẻ. Đặc biệt, đi dạo dọc sông Hàn vào buổi tối là tuyệt nhất. Bởi mặc dù cũng là thành phố đông dân nhưng Đà Nẵng không bị xô bồ, lộn xộn nhiều như ở Sài Gòn và Hà Nội.
PV: Nếu có cơ hội đi xuyên Việt lần nữa, em có muốn khởi hành lại?
Có chứ anh. Có lẽ lần sau em sẽ thêm cả Tây Bắc và Tây Nguyên vào lịch trình. Lần này do ít thời gian quá nên cũng không đi qua những vùng đó được.
PV: Quan niệm cá nhân của em về du lịch là như thế nào?
Em nghĩ du lịch là trải nghiệm. Tìm hiểu cách sống, làm ăn, suy nghĩ và thói quen của người dân mỗi vùng sẽ giúp mình hiểu tại sao họ lại có tính cách đặc trưng nơi đó. Ví dụ khi du lịch tới đâu, thay vì ở khách sạn hay nhà nghỉ, em cố gắng làm quen với người dân và xin nghỉ nhờ. Điều thú vị là khi ở nhờ như vậy, em được nghe nhiều câu chuyện “thật” hơn về cuộc sống của dân bản địa.
PV: Em đã đi được bao nhiêu nước từ trước tới giờ và em dành thời gian khám phá nơi nào lâu nhất?
Em đã từng du lịch khám phá ở hai nước là: Indonesia và Ấn Độ. Lâu nhất là Ấn Độ vì em dành hẳn gần 1 năm ở đó để sống và làm việc.
PV: Em thích tìm hiểu về điều gì ở Ấn Độ?
Em thích nhất là tôn giáo ở đó. Ấn Độ là một trong hai cái nôi tôn giáo lớn của nhân loại, bên cạnh là vùng Trung Đông nên việc tiếp xúc nhiều với tôn giáo khi ở đây vốn không thể tránh khỏi. Hơn nữa lịch sử Ấn Độ bị đô hộ bởi Ba Tư nên lại bị giao thoa luôn với tôn giáo bản địa là Hindu và đạo Hồi. Thành ra tôn giáo ở đây rất đa dạng, do đó có nhiều thứ để tìm hiểu và học hỏi.
PV: Công việc ở Ấn Độ đến với em qua cơ duyên nào và đất nước con người ở đây lưu lại trong em với những suy nghĩ gì?
Thực ra trước đây em có làm cho một tổ chức sinh viên quốc tế là AIESEC. AIESEC muốn xây dựng một thế hệ bạn trẻ có năng lực lãnh đạo trong tương lai, thông qua các chương trình thực tập sinh với những công ty lớn ở hơn 120 nước trên thế giới. Em thì sau chuyến thực tập ở Indonesia cùng AIESEC đã quyết định mục tiêu tiếp theo là Ấn Độ và nộp đơn luôn cho một công ty ở đó, rất may mắn là em đã được nhận.
Vì ở có thời gian ở đây lâu nên Ấn Độ có ảnh hưởng khá sâu tới cách suy nghĩ cá nhân của em khi trở về. Con người ở đây đa phần không quan tâm nhiều tới vật chất, vì thế họ sống rất tự do và tốt bụng.
PV: Em có dự định gì cho hiện tại?
Em đang tìm một công việc marketing trong một công ty IT tại Sài Gòn. Em vẫn thường nghe bạn bè kể về cuộc sống thú vị ở Sài Gòn nên muốn thử sống cùng nó xem có nên “cơm cháo” gì không!
PV: Sài Gòn trong em nghĩ có khác gì so với lúc em “sống cùng” nó?
Em từng nghĩ Sài Gòn chắc cũng giống Hà Nội, xô bồ và có phần lạnh nhạt do hiện đại hóa. Nhưng mà sự thực thì sống ở Sài Gòn mới thấy con người ở đây rất nhiệt thành. Ở đâu cũng thấy người dân niềm nở và lịch sự với mình.
PV: Thú vui giải trí cá nhân em thích nhất ở Sài Gòn là gì?
Em thích nhất là văn hóa cafe của Sài Gòn. Mọi người gặp nhau tại quán cafe và nói chuyện trên trời dưới biển. Người Sài Gòn uống cafe có lẽ đã thành thói quen, giống như người Hà Nội uống trà vậy.
PV: Nếu có chuyến hành trình mới thì đâu là nơi em muốn đặt chân đến nhất?
Là Châu Mỹ Latinh ạ! Văn hóa ở đó rất đặc biệt do xen lẫn giữa văn hóa bản địa và một chút châu Âu nên em rất muốn được khám phá. Thêm nữa, em có ước mơ được tới thăm khu vực sông Amazon, nhất là phải đi nhanh trước khi con người tác động quá nhiều đến nó.
Cảm ơn em đã dành thời gian chia sẻ và chúc em gặp nhiều thành công trong công việc hay những chuyến đi sắp tới!
Theo Huy Bân (Traveltimes.vn)