Vùng đất Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh là đất địa linh nhân kiệt gắn với chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Ở đó có cây thị 900 tuổi trong khuôn viên chùa Đống Phúc được công nhận là cây Di sản Việt Nam.
Đến Quảng Ninh chiêm ngưỡng cây thị 900 tuổi trong chùa Đống Phúc
Chùa Đống Phúc nằm sát bến Rừng, ngã ba sông Bạch Đằng, tương truyền là nơi Trần Hưng Đạo cầu quốc thái dân an trước trận chiến và lập trai đàn cầu siêu. Thời Hậu Lê, chùa Đống Phúc trở thành nơi lánh nạn của mẹ con hoàng tử Lê Tư Thành, tức vua Lê Thánh Tông.
Đây là ngôi chùa làm từ gỗ lim và đá nguyên khối lớn nhất tỉnh Quảng Ninh. Khuôn viên chùa có nhiều cây cổ thụ quý. Trong đó, cây thị 900 tuổi ở chùa Đống Phúc gắn liền với cuộc chiến lần thứ ba đánh tan quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng.
Cây thị chùa Đống Phúc bề thế cao 19m, chu vi thân 5,17m, tán lá rộng tỏa bóng mát quanh năm. Cây thị rất có ý nghĩa, là cây quý theo quan điểm Phật giáo, gỗ thị là loại gỗ duy nhất để khắc ván in kinh của các vị Tổ Phật giáo ngày xưa. Gỗ thị rất đẹp, bền, không bị mối mọt, nứt… nên được các vị tổ sư in dập các bản kinh điển đạo Phật.
Ở chùa còn có cây gạo trên 400 tuổi, cao 18m, chu vi thân 5,9m. Người Việt ở miền bắc có văn hóa gắn với cây gạo, là biểu tượng cho sự phồn thịnh, sung túc. Không chỉ thế đây còn là loài cây thể hiện tình cảm, tinh thần của người Việt Nam.
Tổ chức vinh danh, trao bằng Cây Di sản Việt Nam cho cây thị 900 tuổi ở Quảng Yên không chỉ là niềm vinh dự, mà còn thể hiện sự kết nối, tri ân giữa nhiều thế hệ. Nếu không có nhiều người ra sức bảo vệ thì không thể có được cây 900 tuổi còn tồn tại như ngày nay.
Cây thị 900 tuổi chùa Đống Phúc dù trải qua sự khắc nghiệt khôn cùng của thiên nhiên và nhiều biến cố lịch sử nhưng ngày nay vẫn sừng sững uy nghi chứng minh các giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh của vùng đất Quảng Yên.
Theo iVIVU.com