Dạo chơi vài phiên chợ để khám phá nét văn hóa của mảnh đất Hà thành trong những ngày giáp Tết dường như đã trở thành thói quen không thể bỏ của người thủ đô.
3 phiên chợ đặc biệt nên ghé thăm dịp Tết tại Hà Nội
1. Chợ đồ cổ phố Hàng Mã
Những người bán hàng tại chợ đồ cổ cũng chẳng nhớ phiên chợ bắt đầu từ khi nào, nhưng cứ khoảng 20 tháng Chạp hàng năm tới ngày 29,30 Tết, chợ lại họp ngay trên vỉa hè, thậm chí lấn cả xuống lòng đường phố Hàng Mã.
Đúng như tên gọi, chợ bày bán toàn đồ cổ xưa, thật có mà ‘vàng thau lẫn lộn’ cũng có. Quy mô chợ không lớn, cũng chỉ khoảng 10 đến 15 quầy hàng trải ngay xuống đất bày bán. Mấy cái bát sứt, cái lọ bị mẻ hay đồ thờ nhuộm màu thời gian được bán với giá khá cao, phù hợp với những người có điều kiện thích chơi đồ cổ.
Người người đến chợ nườm nượp, đặc biệt trong những ngày giáp Tết, như muốn tìm về không khí xưa cũ với những hoài niệm một thời. Sắm được đồ ở đây không dễ, phần vì giá khá cao phần vì nhiều mẫu mã, chủng loại đa dạng. Vì thế, bạn cần tìm hiểu kỹ trước khi ghé qua chợ để có được lựa chọn tốt nhất cho mình.
2. Chợ phiên xứ Đoài
Du khách tới Hà Nội dịp Tết sẽ rất ngạc nhiên khi có những phiên chợ đậm chất thôn quê ngay giữa lòng Thủ đô vẫn còn tồn tại. Chợ có cái tên rất dân dã: chợ Nủa – nằm tại xã Bình Phú (huyện Thạch Thất), cách trung tâm thành phố khoảng 20 km.
Giao thông phát triển, đặc biệt là Đại lộ Thăng Long đã hoàn thành, nên bạn chỉ mất khoảng 20-30 phút đi xe máy là có thể đến phiên chợ Nủa mua sắm, thưởng ngoạn. Chợ nằm giữa cánh đồng lúa xanh mát, với những mái ngói lợp bằng cọ lụp sụp, mang đậm chất thôn quê vùng đồng bằng Bắc bộ.
Không có cổng như những phiên chợ khác, chỉ có một con đường đất nhỏ dẫn vào chợ Nủa. Phiên chợ vẫn thường họp vào các ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27 Âm lịch hàng tháng, là nơi mua bán của người dân các xã như Canh Nậu, Cần Kiệm, Chàng Sơn, Hữu Bằng, Phú Ổ, Thạch Xá…
Ghé thăm chợ Nủa vào 2 phiên họp ngày 22 và 27 tháng Chạp, bạn sẽ được hòa mình vào không khí Tết nhộn nhịp với nhiều mặt hàng đa dạng bởi đây là thời điểm người dân khắp các vùng đem những sản vật đẹp nhất, tốt nhất của mình tới đây để trao đổi mua bán.
3. Rộn ràng phiên chợ Bưởi
Có tuổi đời khá lâu, chợ Bưởi dù nay đã “thay da đổi thịt” với diện mạo của một trung tâm thương mại nhưng mỗi tháng và cuối năm vẫn tồn tại những phiên chợ rất thú vị.
Đây là phiên chợ trong nội thành còn tồn tại tới ngày nay. Với các phiên họp chính ngày 4, 9, 14, 19, 24, 29 âm lịch hằng tháng. Nét nổi bật của chợ Bưởi là nơi cung cấp các giống cây trồng, con giống, vật dụng nông nghiệp, sản vật làng nghề. Chợ Bưởi cũng trở thành nơi thăm thú của nhiều người rảnh rỗi, yêu chim thú, hoa cây cảnh ở khắp các nơi trong Hà Nội.
Vào những ngày Tết Nguyên đán, chợ Bưởi ngập tràn muôn vàn loại hoa khoe sắc, tụ họp đông đủ các loài từ trên rừng tới đồng bằng giữa lòng thủ đô. Phiên chợ cuối cùng của năm vào ngày 29 tháng Chạp âm lịch trước đây chợ Bưởi còn bán các loại đại gia súc như bò, ngựa, trâu… bởi đây là dịp duy nhất trong năm thịt những con vật này.
Thế nhưng, do sự mở rộng của thị trường nên phiên chợ bán đại gia súc ngày nay không còn sôi động và đặc trưng như trước nữa. Điểm ấn tượng của phiên chợ Bưởi đó là cây si cổ thụ hiện vẫn nằm sừng sững bên cạnh chợ Bưởi từng là nơi người ta tập hợp những bò, ngựa, trâu… đứng thành từng đàn để người mua lựa chọn.
Theo Trần Huyền/Viettq.vn